Dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được khống chế Chi cục Thú y tỉnh khẳng định, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở Ninh Bình trong năm 2014 giảm so với năm 2013. Đặc biệt dịch cúm gia cầm giảm rõ rệt cả về số ổ dịch và số gia cầm chết, tiêu hủy so với những năm trước. Cụ thể: trên đàn gia súc, dịch bệnh chỉ xảy ra nhỏ lẻ tại một vài điểm; trên đàn gia cầm dịch xảy ra ở 9 thôn, 6 xã thuộc 3 huyện là Yên Mô, Nho Quan, Hoa Lư với số gia cầm chết và tiêu hủy là trên 11 nghìn con, giảm 5 nghìn con so với năm 2013.
Có được kết quả này là do thời gian qua ngành đã chủ động thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch: tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện dịch bệnh kịp thời từ hộ chăn nuôi đến các thôn, xóm và mạng lưới thú y, đặc biệt là nơi có ổ dịch cũ. Toàn tỉnh đã tiêm phòng được trên 4,7 triệu liều vắc xin cúm gia cầm, gần 400 nghìn liều vắc xin dịch tả lợn và trên 43 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng cho đàn trâu bò. Ngành cũng đã triển khai các đợt tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên toàn tỉnh với trên 8.000 lít hóa chất.
Tình hình dịch bệnh được khống chế đã góp phần làm cho chăn nuôi trong tỉnh thời gian qua phát triển tương đối ổn định. Tính đến tháng 10-2014, số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn tăng nhẹ, cụ thể: số lượng đàn trâu là 14.550 con, tăng 0,07% so với cùng kỳ; đàn bò ước là 28.600 con, tăng 0,14%; đàn lợn cũng tăng 2,26% so với cùng kỳ, vào khoảng 360.000 con; đàn gia cầm ước đạt 4,3 triệu con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm 2014 ước đạt 54.855 tấn, tăng 2,23% so với năm 2013.
Tăng cường phòng, chống dịch những tháng cuối năm
Theo kinh nghiệm phòng, chống dịch nhiều năm qua, những tháng cuối năm là thời gian thuận lợi cho các loại dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan. Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán; thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và gây bệnh... Do vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn thực phẩm tươi sống đang được ngành nông nghiệp và các địa phương tăng cường thực hiện.
Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm được ngành thú y tiến hành thường xuyên. Gần đến Tết Nguyên đán, lượng gia súc, gia cầm được vận chuyển, giết mổ, mua bán sẽ tăng cao. Do đó, công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm tiếp tục được ngành tăng cường hơn để đảm bảo nguồn thực phẩm tươi sống an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Chi cục cũng sẽ tăng tần suất lấy mẫu swab trên đàn gia cầm tại các chợ để giám sát sự lưu hành của virut, từ đó có các biện pháp chủ động phòng ngừa; cử cán bộ thú y túc trực, tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ trên địa bàn, đảm bảo thực phẩm tươi sống bày bán phải qua kiểm dịch. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai tiêm phòng bổ sung cho những gia súc, gia cầm mới nhập đàn; tăng cường giám sát dịch bệnh đến từng hộ gia đình nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra.
Cùng với những nỗ lực của ngành chức năng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho chính bản thân và gia đình, người tiêu dùng, khi lựa chọn thực phẩm tươi sống cần kiên quyết không sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không giết thịt những gia súc, gia cầm bị mắc bệnh hoặc đã chết. Ngoài ra, khi sử dụng thịt gia súc, gia cầm, người tiêu dùng cũng phải chú ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm theo khuyến cáo của ngành Y tế. Đó là chỉ sử dụng thịt đã được nấu chín (ăn chín, nấu sôi), tuyệt đối không được ăn thịt tái, ăn tiết canh... Người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm động vật bày bán không an toàn hoặc nghi ngờ không an toàn, chưa qua kiểm dịch thú y phải báo cho ngành chức năng, lực lượng thú y xử lý kịp thời.
Hà Phương