Tại xã Văn Phú, huyện Nho Quan, hoạt động ủy thác cho vay được các cấp hội, nhất là Hội phụ nữ triển khai có hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Hiện nay Hội phụ nữ xã có 3 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thực hiện công tác huy động vốn và một số công đoạn trong quá trình cho hội viên vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH.
Nhìn chung, Hội phụ nữ xã đã tổ chức thực hiện khá tốt các nội dung được ủy thác, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động của các Tổ TK&VV.
Đồng thời, chỉ đạo công tác bình xét vay vốn nghiêm túc, không để các hộ đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn mà không được vay vốn NHCSXH. Hiện nay, dư nợ ủy thác cho vay do Hội phụ nữ xã đang quản lý là trên 4 tỷ đồng với các chương trình: Cho vay học sinh, sinh viên; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hộ thoát nghèo; cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Hội phụ nữ xã đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc sử dụng vốn vay, không để phát sinh nợ quá hạn hay có lãi tồn đọng, các thành viên đều trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn, sử dụng vốn có hiệu quả.
Nhờ nguồn vốn chính sách cùng công tác quản lý hiệu quả của Tổ và cấp hội, nhiều hội viên Hội phụ nữ xã đã phát triển kinh tế trang trại, đồi rừng: chăn nuôi bò, lợn, trồng rừng, thả cá....có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Cùng với công tác cho vay, các Tổ đã tích cực vận động thành viên gửi tiết kiện tại Tổ, dần hình thành thói quen tiết kiệm, tích lũy tài chính cho tương lai. Đến nay tổng vốn huy động tại các Tổ do Hội phụ nữa xã quản lý trên 150 triệu đồng.
Được biết để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, những năm qua Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên về việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, các giải pháp giảm nghèo bền vững....
.Đồng thời, phối hợp mở các lớp tập huấn chuyên đề về chất lượng tín dụng ủy thác và giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác trên địa bàn cho các đối tượng: cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện; Chủ tịch, Phó chủ tịch, ủy viên Ban thường vụ Hội cơ sở; Chi trưởng Hội phụ nữ các xã, phường, thị trấn tại huyện Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Ninh Bình.
Các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tổ chức công tác kiểm tra, giám sát, tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng nhận ủy thác trên địa bàn, qua đó giúp chất lượng hoạt động ủy thác ngày càng đi vào nề nếp, có hiệu quả.
Đồng thời, thực hiện củng cố các Tổ TK&VV trung bình, yếu; rà soát các tổ có số thành viên thấp để sáp nhập nhằm tăng năng lực hoạt động cho Tổ. Tính đến nay toàn tỉnh có 2.540 Tổ TK&VV, số tổ viên bình quân/ tổ đạt 30 hộ. Kết quả chấm điểm tổ có trên 80% tổng số Tổ TK&VV xếp loại tốt; 11,7% tổng số Tổ TK&VV xếp loại khá; 5,8% tổng số Tổ TK&VV xếp loại trung bình; 1,7% tổng số Tổ TK&VV xếp loại yếu kém. Trong số Tổ TK&VV của tỉnh thì Hội nông dân đang quản lý 761 tổ, Hội Phụ nữ quản lý 973 tổ, Hội Cựu chiến binh quản lý 531 tổ; Đoàn thanh niên quản lý 275 tổ.
Hoạt động cho vay vốn các chương trình tín dụng chính sách được các cấp hội tích cực triển khai thực hiện. Đến 31/12/2018, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội đoàn thể trên 2.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,7% tổng dư nợ. Đến hết tháng 2 năm 2019 dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội ước đạt gần 2.200 tỷ với trên 95 nghìn khách hàng có dư nợ. C
ùng với tích cực cho vay các chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp vận động thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng thông qua Tổ TK&VV. Hết năm 2018 có 100% số Tổ TK&VV thực hiện nghiệp vụ nhận tiền gửi tổ viên, với 97% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm, số dư tiền gửi đạt 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả phối hợp tích cực, một số hội, đoàn thể cấp xã chưa tích cực củng cố kiện toàn các Tổ TK&VV theo cụm dân cư liền kề, chưa phối hợp nắm bắt thông tin của hộ vay bị rủi ro, hộ vay đi làm ăn xa, bỏ đi khỏi địa phương, khách hàng 3 tháng không hoạt động.
Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác ở một số hội đoàn thể cấp xã chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng kiểm tra còn hạn chế, mang tính hình thức, đặc biệt việc kiểm tra trong vòng 30 ngày sau khi giải ngân chưa được thực hiện nghiêm túc. Việc sắp xếp, lưu trữ, hồ sơ của Hội cơ sở, tổ trưởng TK&VV chưa đầy đủ, chưa khoa học.
Theo ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, nhằm truyền tải vốn kịp thời đến người nghèo, các đối tượng chính sách và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, thời gian tới Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả các nội dung theo văn bản liên tịch đã ký kết; tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020.
Tập trung đẩy mạnh nhận tiền gửi của Tổ viên Tổ TK&VV, huy động tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã, đồng thời tranh thủ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH Việt Nam kết hợp với nguồn vốn của Ngân sách địa phương và vốn huy động để đầu tư cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn.
Tham mưu Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các cấp phân bổ kịp thời và chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2019. Đặc biệt, tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng mới: chương trình cho vay nhà ở xã hội, Đề án hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tập trung chỉ đạo công tác củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục phối hợp tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là các chính sách tín dụng mới. Đảm bảo người dân, hội viên của các Hội đoàn thể hiểu đúng về tín dụng chính sách và không còn bị tâm lý e ngại về thủ tục vay vốn tín dụng chính sách.
Bài, ảnh: Giáng Hương