Theo Đề án 500, năm 2015, cả nước đã tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi, thời gian công tác tối thiểu là 5 năm.
Tỉnh Ninh Bình có 6 trí thức trẻ thuộc Đề án 500 đang công tác tại các xã vùng bãi ngang của huyện Kim Sơn từ tháng 8-2015. Thời gian qua, các trí thức trẻ đã và đang phát huy trình độ năng lực, chuyên môn của mình, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Mãi, công chức văn hóa thông tin - thể thao xã Kim Hải là một trong 6 đội viên của Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020. Trong quá trình công tác tại xã từ tháng 8/2015 đến nay, chị Mãi luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để xử lý công việc được tốt hơn.
Chị Mãi cho biết: Được phân công về công tác tại xã Kim Hải, tôi xác định sẽ phấn đấu làm tốt công việc được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực mình phụ trách, đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào việc cải thiện đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của xã. Công việc của tôi là thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về văn hóa, xã hội nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt cho người dân xã bãi ngang, phấn đấu để mọi người dân đều có cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng ổn định, theo kịp và ngang bằng với các vùng, miền trong tỉnh.
Khi về địa phương, các đội viên được bố trí các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Trước khi nhận nhiệm vụ, các đội viên Đề án 500 trong tỉnh đều được đào tạo bài bản nên hầu hết có trình độ chuyên môn vững vàng. Khó khăn của các đội viên chính là kinh nghiệm công tác và sự bỡ ngỡ khi tiếp xúc với môi trường mới.
Do vậy, ngoài việc nâng cao kiến thức chuyên môn, các đội viên Đề án 500 cũng phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những cán bộ, công chức trong cơ quan, cố gắng bám sát cơ sở để có thêm kinh nghiệm thực tế. Giải quyết những khó khăn mà các đội viên Đề án 500 đang gặp phải, chính quyền địa phương nơi các đội viên về công tác không chỉ quan tâm giúp đỡ về mặt tinh thần mà còn đã tạo mọi điều kiện tối đa để các đội viên hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Đoàn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải (Kim Sơn) cho biết: Thực hiện Đề án 500, là xã vùng bãi ngang của huyện, của tỉnh, chúng tôi đã tạo điều kiện để đội viên thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, phân công một đồng chí cán bộ xã kèm cặp, giúp đỡ để đội viên làm quen với phong tục, tập quán, đường sá đi lại và môi trường làm việc mới. Cùng với đó, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để đội viên thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Với nhiệm vụ được giao, đội viên Đề án 500 đã cùng cán bộ, công chức, viên chức xã Kim Hải tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao trình độ cho người dân về mọi mặt. Đặc biệt, đã động viên nhân dân đóng góp cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, như đường giao thông, nhà văn hóa, các phòng học và công trình phụ trợ của trường THCS… với tổng giá trị đầu tư xây dựng năm 2015 gần 6 tỷ đồng.
Cùng với đó, các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm chỉ đạo, từng bước đầu tư phù hợp, góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương được tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, qua đó giữ vững an ninh chính trị, trật tự ATXH tại địa phương…
Được biết, thực hiện Đề án 500, các đội viên được điều động về các xã bãi ngang của huyện Kim Sơn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở 2 lĩnh vực: tư pháp - hộ tịch và văn hóa, thông tin, thể thao. Với các trí thức trẻ, hầu hết đều mới ra trường, chưa có kinh nghiệm thực tế và không phải là người ở địa phương, do vậy, khi được phân công công việc, chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Trước thực tế đó, lãnh đạo huyện Kim Sơn và các xã tiếp nhận các đội viên về công tác đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể liên quan tạo mọi điều kiện tốt nhất để các trí thức trẻ về cơ sở công tác, hoàn thành nhiệm vụ như: Bố trí phòng làm việc, máy vi tính...
Qua một thời gian công tác, dù gặp nhiều khó khăn nhưng hầu hết các đội viên của Đề án 500 làm việc tại các xã bãi ngang như Kim Hải, Kim Đông, Kim Trung, Kim Mỹ… đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao, có tinh thần trách nhiệm cao, nhanh nhẹn tiếp nhận các lĩnh vực công tác mới ngoài chuyên môn được đào tạo; nhiệt huyết xuống thôn, xóm nắm bắt tình hình và tham mưu hiệu quả cho lãnh đạo xã trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, chế độ của các đội viên của Đề án 500 được hưởng hiện nay còn thấp, vẫn phải có sự trợ giúp từ phía gia đình để có thể yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ. Trước thực tế đó, các đội viên mong muốn các cấp, các ngành có thêm những chính sách hỗ trợ khác để khuyến khích các trí thức trẻ phát huy sức trẻ, tài năng, giúp các địa phương và người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa ngày càng phát triển, đi lên.
Hạnh Chi