Trong thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương đã triển khai tích cực, quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, chiều hướng lây lan nhanh, rộng.
Tính đến ngày 23/5/2019, toàn tỉnh đã xảy ra dịch tại 458 thôn/110 xã/8 huyện, thành phố; tổng số lợn phải tiêu hủy bắt buộc là trên 20.000 con, trọng lượng lợn tiêu hủy trên 1.000 tấn lợn hơi. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát tại các địa phương trên diện rộng, đặc biệt tại các gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn là rất cao. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi đến tất cả các chi bộ.
Xác định rõ nhiệm vụ phòng, chống, ngăn chặn bệnh dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này. Phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị khẩn trương, kiên quyết, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp do Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh đã ban hành, theo phương châm "phòng dịch như chống dịch, chống dịch như chống giặc", "phòng là chính, cơ sở và người dân là chính".
2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, người tiêu dùng nhận thức đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nâng cao nhận thức, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh.
Thông tin kịp thời, chính xác để người tiêu dùng không hoang mang, không quay lưng với thịt lợn, sử dụng thịt lợn an toàn, rõ nguồn gốc là góp phần chung tay hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn.
3. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung các nguồn lực để tổ chức phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi theo phương châm "4 tại chỗ": "chỉ đạo tại chỗ, huy động nhân lực tại chỗ; huy động vật lực tại chỗ và huy động phương tiện tại chỗ".
Bố trí hỗ trợ kinh phí kịp thời cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, dưới sự giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh tăng cường phối hợp tổ chức phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi; tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp vi phạm; chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
4. Các huyện ủy, thành ủy tập trung lãnh đạo, chủ động tổ chức phòng, chống, khống chế dịch bệnh trên địa bàn; chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã tăng cường kiểm tra, giám sát, chủ động bố trí nguồn nhân lực, vật lực và các điều kiện để thực hiện phòng, chống, khống chế, nhanh chóng dập dịch có hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ việc tiêu hủy lợn đảm bảo theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường sau tiêu hủy, đặc biệt là đối với các điểm tiêu hủy lợn với số lượng lớn.
5. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có trách nhiệm tham gia phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về dịch tả lợn châu Phi; động viên các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị chủ động tham gia tích cực vào công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh.
6. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Địa phương, đơn vị nào không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, chịu trách nhiệm theo quy định. Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Giao UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và kịp thời báo cáo kết quả thực hiện.