Một số mặt hàng của các công ty trong nước sản xuất, có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý đã thực sự chiếm lĩnh thị trường.
Để phục vụ nhân dân vui Tết, đón xuân, đến thời điểm này, các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng đều đã chuẩn bị tương đối đầy đủ hàng hóa có chất lượng cao như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, lương thực, thực phẩm, các loại hoa quả, cây cảnh... phục vụ Tết với tổng giá trị ước đạt trên 140 tỷ đồng. Hàng hóa có mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo theo quy định.
Tuy nhiên, do sự biến động của thị trường giá cả hàng hóa thế giới, trong nước nên giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm nay diễn biến khá phức tạp, hầu hết các nhóm hàng đều tăng giá cao hơn so với cuối năm 2007. Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng của năm 2008 tăng 24,12% so với tháng 12 năm 2007 và tăng 15,56% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù còn khoảng 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, các loại rượu, nước giải khát, thực phẩm công nghệ, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình... đã tăng nhẹ. Giá cả hàng hóa tăng đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Cùng với sự phát triển của hoạt động thương mại, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng cũng diễn biến khá phức tạp, đặc biệt trong dịp Tết. Vì vậy, để đảm bảo ổn định thị trường trong dịp Tết Kỷ Sửu, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh và Sở Thương mại, từ ngày 10-12-2008, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung kiểm tra trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa đi các huyện, thị xã và các phương tiện vận chuyển hàng hóa; các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, giết mổ và kinh doanh gia súc, gia cầm… để ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh trái phép khác.
Trọng tâm của đợt kiểm tra là kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký kinh doanh, các thủ tục pháp lý kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đo lường, quy chế ghi nhãn hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong đó đặc biệt chú trọng tới các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như quần áo may sẵn, giày dép, đồ điện tử, bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá, đồ uống, thực phẩm qua chế biến, kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán pháo nổ các loại, đồ chơi trẻ em mang tính kích động bạo lực, băng đĩa hình có nội dung không lành mạnh; kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và các sản phẩm gia súc, gia cầm...
Ngoài ra còn tăng cường kiểm tra 10 mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật. Sau 10 ngày ra quân, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 39 vụ, trong đó xử lý 12 vụ vi phạm các quy định về đăng ký kinh doanh, ghi nhãn hàng hóa và không niêm yết giá, phạt hành chính hơn 8 triệu đồng. Lực lượng quản lý thị trường còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại. Từ đó đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Thương mại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện cho nhân dân vui Tết, đón xuân vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm.
Thanh Chiên