Ông Đinh Xuân Đoàn, Trưởng phòng nghiệp vụ tổng hợp, Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Hiện nay, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại địa phương vẫn diễn biến phức tạp. Tại một số cơ sở kinh doanh cố định vẫn xuất hiện tình trạng lén lút kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo ATTP. Trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh, các đối tượng vi phạm thường sử dụng nhiều thủ đoạn để thực hiện các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác như: Chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển bằng nhiều xe, nhiều chuyến, sử dụng biển số giả; sử dụng phương tiện xe khách, xe chuyển phát nhanh để vận chuyển; sử dụng hóa đơn quay vòng hoặc ghi giá trên hóa đơn thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của hàng hóa… Đặc biệt, nhiều đối tượng còn có biểu hiện chống đối khi bị kiểm tra, phát hiện.
Trước thực tế trên, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2018. Mở các đợt cao điểm hoặc triển khai các đợt kiểm tra chuyên đề đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo lĩnh vực, ngành hàng, nhóm mặt hàng, nhất là về ATTP, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Về công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại, Cục Quản lý thị trường chủ động đề ra các biện pháp, phối hợp với các lực lượng chức năng, các nhà sản xuất, phân phối hàng hóa, chủ sở hữu nhãn hiệu trong việc đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh. 10 tháng đầu năm, Cục đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 50 vụ với các hành vi vi phạm chủ yếu như giả nhãn hàng hóa, giả nguồn gốc, xuất xứ, phạt tiền gần 200 triệu đồng và tịch thu hàng hóa trị giá trên 200 triệu đồng. Đồng thời, xử lý trên 700 vụ vi phạm về các hành vi gian lận thương mại khác, phạt tiền trên 1,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 600 triệu đồng.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tổng Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đã chỉ đạo các Đội tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh LPG; tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; kiểm tra thực phẩm chức năng, mỹ phẩm VINACA, thuốc Zinnat 500 mg giả, rượu sâm panh xâm phạm nhãn hiệu COBETCKOE; xác minh thông tin, kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ đối với chuỗi siêu thị Con Cưng và ToyCity thuộc Công ty CP Con Cưng; rà soát, xác minh, kiểm tra các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự Công ty Mumuso; kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với mặt hàng bột xương thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoạt động vận chuyển phế liệu nhập khẩu trái phép...
Cùng với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục cũng đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trong tỉnh đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu và các hành vi kinh doanh trái phép khác, từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể, góp phần ổn định thị trường, ổn định sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Ninh Bình hiện có trên 7.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh; trong đó có 885 doanh nghiệp và 6.950 hộ kinh doanh cá thể. Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra trên 2.300 vụ, xử lý 1.258 vụ với 1.288 hành vi vi phạm; trong đó có 19 hành vi buôn bán hàng cấm, 257 hành vi buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu; 45 hành vi buôn bán hàng giả; 238 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng; 44 hành vi vi phạm trong kinh doanh; 202 hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm và 483 hành vi vi phạm khác, với tổng số tiền thu phạt trên 8,3 tỷ đồng.
Ông Phạm Quốc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Từ nay đến cuối năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ tiến hành mở đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, ngành hàng, nhóm mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân có nhu cầu cao vào dịp cuối năm như: xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, nội thất, quần áo, chăn ga gối đệm, lương thực thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, thuốc lá, hàng điện tử điện lạnh đã qua sử dụng; nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...
Đồng thời, Cục tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại nhằm nâng cao nhận thức, ngăn ngừa vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại địa phương. Tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong khâu lưu thông, tập trung vào các nhóm hàng hóa như: Pháo nổ, rượu, thuốc lá, đồ chơi trẻ em bạo lực, đồ điện tử, máy móc thiết bị đã qua sử dụng... Cùng với đó, chủ động liên hệ với các hiệp hội, nhà sản xuất, nhà phân phối hàng hóa nắm bắt thông tin, tăng cường công tác điều tra, trinh sát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo ATTP và các hành vi kinh doanh trái phép khác, góp phần ổn định thị trường, ổn định sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Hạnh Chi