Cùng Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của tỉnh do ngành Y tế chủ trì làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện Hoa Lư và kiểm tra một số cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, đồ ăn uống tại huyện Hoa Lư, chúng tôi nhận thấy, phần lớn các cơ sở lớn, có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng đã có ý thức trong sản xuất, kinh doanh, chế biến nhằm đảm bảo kinh doanh có lãi và giữ uy tín cho thương hiệu, cửa hàng mà mình đã đăng ký, sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu sử dụng các mặt hàng thực phẩm tươi sống, các loại bánh kẹo, rượu bia và các sản phẩm từ thịt, thủy hải sản, rau củ quả... tăng cao, nhiều hộ kinh doanh đã nhập thêm hàng hoặc chuẩn bị một lượng hàng hóa nhất định để lưu trữ, "găm" hàng; trong đó có những mặt hàng không rõ nguồn gốc, số khác được tích trữ, bảo quản trong điều kiện chưa đạt tiêu chuẩn về nhiệt độ, nơi sơ chế...
Tại cơ sở buôn bán thịt dê Hà Vinh, phố Cầu Huyện, thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư), những ngày giáp Tết, các đơn đặt hàng sản phẩm thịt dê luôn được ghi kín bảng thông báo với số lượng mỗi đơn hàng có số lượng hàng chục kg, địa chỉ nhận hàng dày đặc. Theo bà Đinh Thị Hà, chủ cơ sở, những ngày gần Tết, nhu cầu thịt dê của người tiêu dùng tăng gấp vài lần so với bình thường. Mỗi ngày, cơ sở cung cấp ra thị trường hàng trăm kg thịt dê các loại, trong đó chủ yếu là bán buôn, được chuyển đi khắp các nơi trong và ngoài tỉnh. Kiểm tra tại cơ sở, nhiều điều kiện về an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo, như việc bảo quản thực phẩm không được bỏ trong túi bóng, các điều kiện về vệ sinh tại khu sơ chế, chế biến, người thực hành... chưa có chứng nhận vệ sinh an toàn... Cùng với đó, nhiều sản phẩm thịt dê không xuất trình được giấy tờ ghi nhận nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không có hợp đồng mua bán, cam kết bán hàng giữa hai bên... Các thành viên trong Đoàn kiểm tra đã nêu rõ các lỗi vi phạm của cơ sở, yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm và nhanh chóng khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Theo đồng chí Tống Xuân Thọ, Phó Trưởng khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm y tế huyện Hoa Lư, những năm qua, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện Hoa Lư đã rất tích cực trong việc quản lý, kiểm tra ATTP trên địa bàn. Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán và lễ hội hàng năm, Ban chỉ đạo các cấp từ huyện đến cơ sở tổ chức hàng trăm đoàn thanh tra, kiểm tra tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Trong dịp Tết Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019, Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện và xã đã thành lập hàng chục đoàn, tổ chức kiểm tra tại hơn 200 cơ sở, phạt vi phạm trên 30 cơ sở, phạt hành chính bằng tiền gần 100 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giáo gần 20 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa tại chỗ trị giá trên 30 triệu đồng. Đồng thời đôn đốc, nhắc nhở hàng chục cơ sở vi phạm, với những lỗi nhẹ như không có giấy chứng nhận kiểm tra sức khỏe đối với người thực hành, cơ sở vật chất khu chế biến, bảo quản còn sơ sài, chưa đảm bảo vệ sinh...
Để đảm bảo về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2020, huyện Hoa Lư đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm huyện, xây dựng các kế hoạch triển khai, kế hoạch kiểm tra trên địa bàn huyện. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai, kế hoạch kiểm tra, tuyên truyền và phối hợp với các Đoàn liên ngành của tỉnh, huyện tăng cường công tác kiểm tra, tập trung tại các khu, điểm du lịch, các chợ thực phẩm, các cơ sở giết mổ, sản xuất..., chủ yếu là các mặt hàng phục vụ Tết như thực phẩm tươi sống, giò chả, bánh kẹo, cơm cháy.... Cùng với kiểm tra, các đoàn cũng tăng cường tuyên truyền đến các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng nâng cao ý thức về ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân 2020, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã thành lập 3 đoàn, phân công theo các tuyến, tiến hành kiểm tra tại 8 huyện, thành phố. Trong đó chú trọng ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và kinh doanh dịch vụ ăn uống, với mục tiêu phấn đấu không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đông người, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân vui Xuân, đón Tết.
Theo đó, từ ngày 25/12/2019 đến hết 23/3/2020, các đơn vị như Y tế, Công thương, Nông nghiệp &PTNT, Công an, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, có yếu tố nguy cơ cao, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Cùng với đó huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân,
Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh, trước Tết Nguyên đán, các đoàn thanh tra, kiểm tra tập trung vào những cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết; kiểm soát nguồn gốc các nguyên liệu, thực phẩm như thịt và các sản phẩm từ thịt, rau, củ, quả; bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo; kiểm tra các phương tiện vận chuyển thực phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh... Cùng với đó, trong quá trình kiểm tra, các ngành chức năng cũng đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, cung cấp kiến thức pháp luật và khoa học về ATTP cho cộng đồng, không ngừng nâng cao ý thức người sản xuất và tiêu dùng trong thực hiện vấn đề ATTP.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh