Nhìn lại năm 2018, công tác bảo đảm ATTP đã được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo nên đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động truyền thông về ATTP tiếp tục được tăng cường, công tác thanh, kiểm tra về ATTP được đẩy mạnh. "Tháng hành động vì ATTP" năm 2018 với chủ đề "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm" được triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5/2018 đã tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông nhằm tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm. Thông qua đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của cộng đồng ngày một nâng cao. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm cơ bản được kiểm soát, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP vẫn đang gặp nhiều thách thức như: Ô nhiễm thực phẩm, tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản thực phẩm vẫn còn tồn tại; thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường; ngộ độc thực phẩm tại các bữa ăn đông người do độc tố tự nhiên vẫn diễn biến phức tạp; ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế; số lượng cơ sở áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa nhiều... Tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.
Trong đó đáng lưu tâm là năm 2018 đã xảy ra 3 vụ ngộ độc tập thể với số người mắc phải vào viện và cơ sở y tế theo dõi và điều trị là 379 người, trong đó có vụ ngộ độc xảy ra tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) với số học sinh phải theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế lên đến 352 em. Điều đó cho thấy, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về ATTP, song thực phẩm "bẩn", thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại và lưu hành trên thị trường.
Để khắc phục những tồn tại, đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP, nhất là dịp cao điểm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội sắp tới, nhiệm vụ đặt ra cho các ngành chức năng, các địa phương là cần triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 2/11/2018 về việc tăng cường công tác bảo đảm ATTP trong tình hình mới. Theo đó, tiếp tục đề cao trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong công tác quản lý ATTP. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP tới từng cơ sở và cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt tại các bếp ăn tập thể và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm về bảo đảm ATTP, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm.
Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân kiến thức về ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cũng cần được đẩy mạnh qua các ngành chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng và qua các tổ chức đoàn thể. Đồng thời tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, MTTQ và các tổ chức xã hội, người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc phát hiện, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn đến các cơ quan chức năng. Các ngành chức năng tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai và công bố các điểm bán sản phẩm, thực phẩm an toàn để người tiêu dùng biết và lựa chọn.
Đối với người tiêu dùng, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm chất lượng. Mỗi cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đều nói không với thực phẩm "bẩn" sẽ góp phần đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP, từ đó giảm thiểu đến mức thấp nhất ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn gây ra.
Minh Châu