Chưa phát hiện tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, trong đợt thanh, kiểm tra vừa qua, đoàn kiểm tra đã lấy 5 mẫu thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi lợn, giai đoạn lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng, trong đó 3 mẫu lấy tại kho và 2 mẫu lấy tại máng ăn; gửi đi phân tích 2 chỉ tiêu Salbutamol và Clenbuterol tại Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 1.
Kết quả phân tích: 4 mẫu âm tính với chất cấm, 1 mẫu dương tính với Salbutamol nhưng hàm lượng dưới mức cho phép (0,6ppm/50ppm). Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, yêu cầu chủ trang trại tăng cường công tác quản lý việc sử dụng thức ăn và cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại cơ sở.
Bà Dương Thị Bòng, Phó Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ninh Bình có tổng đàn lợn khoảng 350 nghìn con, chủ yếu được nuôi dưới hình thức gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và hơn 100 cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Trong đợt cao điểm vừa qua, đoàn kiểm tra của Sở đã tiến hành kiểm tra hoạt động chăn nuôi của một số trang trại, hộ chăn nuôi lớn ở hầu khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra cho thấy, ngoài việc thực hiện nghiêm túc quy định về thức ăn trong chăn nuôi, không sử dụng chất cấm, các trang trại, hộ dân nuôi lợn trên địa bàn cũng thực hiện khá tốt các quy định về môi trường, phòng, chống dịch bệnh…
Về các đại lý thức ăn chăn nuôi, đa phần đều cung ứng sản phẩm cám của các công ty, doanh nghiệp lớn, có tên tuổi, uy tín, chất lượng. Qua đợt này, Đoàn kiểm tra cũng đã lồng ghép công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi biết các quy định về cấm sử dụng chất cấm để họ tiếp tục thực hiện nghiêm túc.
Cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình chị Trần Thị Liễu tại xã Sơn Hà, huyện Nho Quan hoạt động đến nay đã được gần 5 năm. Cửa hàng của gia đình chị chủ yếu bày bán, phân phối thức ăn chăn nuôi của Công ty Dabaco. Mỗi tháng, sản lượng thức ăn chăn nuôi mà cửa hàng kinh doanh của gia đình chị Liễu tiêu thụ trung bình từ 30-40 tấn cám, phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân địa phương và nhân dân các xã lân cận.
Về nhu cầu sử dụng thức ăn công nghiệp của các hộ chăn nuôi hiện nay, chị Liễu cho biết: "Tỷ lệ các hộ chăn nuôi ngày càng tăng cả về quy mô và số lượng đàn vật nuôi, chính vì thế, nhiều hộ gia đình chú trọng tới việc sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp để vỗ béo đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tôi chưa thấy người dân nào trên địa bàn xã đến và hỏi về các chất tạo nạc.
Là người chăn nuôi lâu năm, lại chăn nuôi với số lượng đàn lên tới hàng trăm con, anh Phan Văn Sự, thôn Chát, xã Văn Phong chia sẻ với chúng tôi: "Thời gian qua, tôi cũng có nghe các phương tiện thông tin đại chúng nói về hoạt chất tạo nạc, một chất cấm trong chăn nuôi.
Bản thân gia đình tôi từ khi chăn nuôi đến nay chỉ cho lợn ăn cám do công ty có uy tín trên thị trường sản xuất, ngoài ra, không phối trộn bất cứ thứ gì khác với thức ăn chăn nuôi. Ngoài tiêm phòng vắc - xin cho đàn vật nuôi theo đúng định kỳ, gia đình tôi chỉ sử dụng sản phẩm Gluco - K - C - Namin của Công ty cổ phần Thuốc thú y Marphavet để tăng sức đề kháng cho lợn khi sinh sản và khi thời tiết chuyển mùa, ngoài ra, không dùng bất cứ chất gì khác."
Rõ ràng, với việc đa phần trang trại, hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh nói "không" với chất cấm đã phần nào giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm thịt lợn được nuôi tại địa phương.
Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra
Mặc dù đến nay Ninh Bình chưa phát hiện chất cấm trong thức ăn chăn nuôi cũng như các sản phẩm thịt nhưng chúng ta cũng chưa thể khẳng định hoàn toàn không có hiện tượng sử dụng chất cấm trên địa bàn bởi thực tế chăn nuôi hiện nay chủ yếu vẫn theo hình thức nhỏ lẻ và không phải người chăn nuôi nào cũng nhận biết được mức độ độc hại của các loại chất cấm.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng còn gặp rất nhiều khó khăn: lực lượng mỏng, kinh phí kiểm nghiệm mẫu hàng năm hạn chế, giá mẫu kiểm nghiệm, phân tích cao.
Khắc phục những khó khăn trên, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường công tác kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi và triển khai đợt cao điểm hành động Năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, trong đó đặc biệt chú trọng quản lý việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi.
Tổ chức lấy mẫu phân tích chất cấm nhóm Beta agonist tại các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng; các quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP. Thông tin kịp thời và chính xác cho dư luận biết về tình hình và danh tính các đối tượng vi phạm nếu có.
Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, các trang trại, gia trại, nông hộ tiếp cận và định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng Vietgap để tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo vệ sinh môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững. Hướng dẫn kỹ năng phân biệt thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn để người tiêu dùng an tâm...
Được biết, từ nay đến hết tháng 2-2016, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên và liên tục. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Sở sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hà Phương