Ngoài ra, trên các tuyến đường còn nhiều phương tiện vận tải lớn của các địa phương khác đi qua; đa số các phương tiện trên khi tham gia khai thác vận tải đều chở hàng hóa vượt quá tải trọng, chạy với tốc độ cao, vì vậy trên các tuyến đường và cầu đều xảy ra tình trạng xe quá tải hoạt động ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông và tuổi thọ của công trình. Tình trạng ôtô, xe máy chạy quá tốc độ quy định xảy ra khá phổ biến. Thực trạng trên là nguyên nhân dẫn đến tình hình TNGT có chiều hướng ra tăng. Để giảm thiểu và kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải tỉnh ta đã có phương án thiết lập hệ thống vận tải, kiểm soát phương tiện quá khổ quá tải. Xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm về tốc độ đối với phương tiện vận tải và người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Theo đó, UBND, Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý phương tiện, giải quyết triệt để tình trạng tự ý thay đổi kích thước, tính năng, công dụng của phương tiện như: cơi nới thùng bệ, gia cường hệ thống nhíp, kéo dài chiều dài cơ sở của phương tiện để nâng cao khả năng vận tải.
Các phương tiện vận tải hàng hóa phải niêm yết tự trọng của xe, tải trọng được phép chở ở mặt ngoài hai bên cánh cửa buồng lái theo quy định của Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24-6-2010 của Bộ Giao thông- Vận tải quy định về tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô.
Đối với xe ô tô chở công-ten-nơ phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp hoạt động sản xuất hàng hóa, xếp dỡ hàng hóa của địa phương không xếp dỡ hàng hóa vượt quá tải trọng của xe.
Các khu sản xuất hàng hóa, nhà máy, cơ sở sản xuất, bến cảng trang bị cân xe để kiểm tra tải trọng của xe trước khi cho xe vận chuyển trên đường…
Theo kế hoạch và phương án đã đề ra, UBND, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đến đông đảo đội ngũ lái xe và các doanh nghiệp vận tải.
Đối với việc chở quá tải trọng, tăng cường việc công bố tải trọng trên các tuyến đường. Tổ chức thực hiện các phóng sự, viết tin, bài về tình trạng xe quá tải, quá khổ tác động xấu đến hệ thống kết cấu hạ tầng, tình hình TNGT và nỗi khổ của người dân dọc một số tuyến đường thường xuyên có các xe quá tải trọng đi qua.
Đối với các vi phạm tốc độ, đồng loạt tổ chức các chiến dịch tuyên truyền tuân thủ tốc độ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về tốc độ xe chạy trên đường bộ; các quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm quy định tốc độ đối với lái xe.
Nguyên nhân, hậu quả của TNGT do vi phạm tốc độ, các biện pháp phòng, tránh TNGT có nguyên nhân vi phạm tốc độ. Kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động tuyên truyền và cưỡng chế để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Sở Giao thông- Vận tải chỉ đạo phòng quản lý giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát giao thông, các khu quản lý đường bộ rà soát, bổ sung đầy đủ và điều chỉnh hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ, khắc phục kịp thời các điểm đen, làm gờ giảm tốc trên các đường không ưu tiên giao nhau với đường ưu tiên, đường phụ ra đường chính.
Tăng cường đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vận tải hàng hóa; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về vận tải hàng hóa; chỉ đạo Ban quản lý các dự án yêu cầu các nhà thầu thi công không sử dụng phương tiện xe quá tải, quá khổ trong thi công các công trình giao thông.
Nâng cao chất lượng đăng kiểm phương tiện, từ chối đăng kiểm đối với các phương tiện tự ý thay đổi kích thước, tính năng, công dụng của phương tiện. Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông mở các đợt hoạt động cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về tốc độ, chở hàng hóa quá tải trọng trên các quốc lộ, tỉnh lộ; kiên quyết xử lý các vi phạm về tốc độ và chở hàng hóa quá tải trọng làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT. UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hệ thống biển báo tải trọng và tốc độ cho phép trên các tuyến đường.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khôi phục hệ thống khung quản lý tải trọng và khổ giới bằng barie, giao cho Công an xã, phường quản lý tải trọng theo quy định trong phạm vi quản lý. Ban ATGT các địa phương chỉ đạo các cấp, ngành của địa phương mình tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trong đó tập trung tuyên truyền quy định về tốc độ và tải trọng của các loại xe cơ giới tham gia giao thông theo kế hoạch và phương án đề ra.
Trần Mạnh Dũng