Theo bác sĩ Phan Khắc Lưu, Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), hàng năm, các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS được triển khai sâu rộng, với sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân.
Hình thức, nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, góp phần định hướng cho mọi người thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống HIV/AIDS; phổ biến, giới thiệu đến mọi người dân về các dịch vụ dự phòng lây nhiễm, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS; tạo điều kiện cho người bệnh, người có hành vi nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế để được chăm sóc sức khỏe suốt đời.
Các hoạt động tuyên truyền kiến thức, thực hành phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp trong cộng đồng. Hàng năm, Khoa phòng, chống HIV/AIDS tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề cho người dân tại các xã, phường trong tỉnh, với hàng chục nghìn lượt người dự nghe, về các chuyên đề điều trị Methadone, chương trình can thiệp giảm tác hại và kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh và một số tổ chức, đoàn thể thực hiện các chuyên đề, chuyên mục, phát các tin, bài giới thiệu các hoạt động và kết quả của chương trình. Mỗi năm, có hàng trăm tin, bài, ảnh, phóng sự tuyên truyền về công tác phòng, chống HIV/AIDS được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, chuyển tải kịp thời các quan điểm, mục tiêu, biện pháp đã đề ra trong "Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030"…
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên, hiểm họa từ HIV/AIDS vẫn đang là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, đến trật tự ATXH, đến sự phát triển của đất nước và tương lai giống nòi.
Bởi thực tế, số người nhiễm mới được phát hiện hàng năm vẫn còn, năm 2019, tỉnh Ninh Bình phát hiện gần 100 người nhiễm HIV mới. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm bệnh và mạng lưới dịch vụ cung cấp phương tiện phòng, chống HIV ở một số địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế…. Nguy cơ dịch HIV/AIDS rất dễ gia tăng nếu thiếu sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội.
Bác sĩ Phan Khắc Lưu, Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho rằng, công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới cần được tiếp tục thực hiện thường xuyên, lâu dài.
Trong đó tập trung ưu tiên đến nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm, đối tượng quan hệ tình dục đồng giới và quan tâm tới các hoạt động tư vấn, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.
Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho mạng lưới y tế các cấp, tạo điều kiện cho các đơn vị y tế, các địa phương thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở cơ sở.
Đẩy mạnh tuyên truyền để người nhiễm HIV/AIDS không giấu bệnh, giấu danh tính, tích cực tham gia BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe cho mình. Thêm vào đó, kêu gọi sự tham gia, vào cuộc hơn nữa của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, thực hiện hiệu quả "Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030", hướng tới các mục tiêu 90-90-90, tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Bài, ảnh: Hạnh Chi