Một số mặt hàng xuất khẩu 6 tháng đạt khá so với năm 2017 như: xi măng + clanke 5.009,4 nghìn tấn, tăng 43,2%; quần áo các loại 20,7 triệu chiếc, tăng 18,2%; camera và linh kiện điện tử trên 48,3 triệu sản phẩm, tăng 15,6%, giày dép các loại 10,3 triệu đôi, tăng 28,8%; găng tay 4.335,7 nghìn đôi, tăng 41,2%; túi nhựa 1.034 tấn, tăng 41,6%... Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu lại giảm sút như: sản phẩm cói 322,8 nghìn sản phẩm, giảm 56,5%; đồ chơi trẻ em trên 3.522,6 nghìn chiếc, giảm 17,7%; thảm cói 17,9 nghìn m2, giảm 23,8%... Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh tập trung ở các thị trường truyền thống trong đó châu á dẫn đầu kim ngạch đạt 338,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 55,3%; tiếp đến là châu Mỹ đạt kim ngạch 185,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 30,2%; châu Âu kim ngạch đạt 56,3 triệu USD, chiếm tỷ trọng 9,2%; châu úc đạt kim ngạch 18,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,1%; cuối cùng là châu Phi đạt kim ngạch 13,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,2%.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, nhóm hàng công nghiệp vẫn giữ được vai trò chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đạt trên 598,4 triệu USD, tăng trên 13,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 48,4% kế hoạch năm 2018. Nhóm hàng này giữ được ổn định và có mức tăng trưởng cao là do các doanh nghiệp FDI (điển hình là: Công ty TNHH May Nien Hsing, Công ty TNHH Giày Adora, Công ty TNHH MCNEX, Công ty TNHH Chang Xin Việt Nam…) và các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng - clanke hoạt động có hiệu quả, đạt kim ngạch xuất khẩu cao.
Ngoài ra, một số nhà máy sản xuất giày như Athena, Chung Jye đã đi vào hoạt động ổn định tạo nguồn hàng quan trọng cho xuất khẩu. Các mặt hàng camera và linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại có kim ngạch xuất khẩu khá cao, ước đạt 229 triệu USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ, dự báo sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng ổn định từ nay đến cuối năm. Mặt hàng xi măng - clanke có giá trị xuất khẩu đạt 174,9 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2017, phần lớn là do nhu cầu tăng đột biến từ thị trường Trung Quốc.
Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm của tỉnh về cơ bản vẫn giữ được kim ngạch ổn định, nhiều sản phẩm đã vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU tiếp tục được đẩy mạnh với kim ngạch đạt trên 11,9 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 47,2% kế hoạch năm.
Duy chỉ có kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ giảm sút trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt trên 2,3 triệu USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ, bằng 35,9% kế hoạch năm. Nguyên nhân giảm sút của nhóm hàng thủ công mỹ nghệ là do một số đơn hàng lớn của các doanh nghiệp như Quang Minh, Năng Động tập trung vào 6 tháng cuối năm 2018, ngoài ra, Công ty TNHH thêu Minh Trang do phát triển dự án mới nên kim ngạch xuất khẩu có mức suy giảm đáng kể so với năm 2017.
Để tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, Sở Công thương đã tiến hành thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động Văn phòng đại diện cho Công ty Maven FC; tiếp nhận 8 hồ sơ và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quy trình nộp hồ sơ xin C/O sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc. Tổ chức hội nghị phổ biến quy tắc xuất xứ trong luật quản lý ngoại thương năm 2017 và các Hiệp định thương mại tự do cho 70 học viên. Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Bình năm 2018.
Cùng với đó, Sở tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp về định hướng thị trường, tư vấn về rào cản thị trường, biểu thuế xuất, khẩu, thông tin về cơ hội giao thương, tạo điều kiện rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp thông qua cấp 1.869 bộ C/O ưu đãi sang các thị trường Nhật Bản, ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Đồng thời triển khai tốt các đề án xúc tiến thương mại (đến nay có 7 đề án đã và đang triển khai thực hiện) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức hội chợ thương mại trong và ngoài nước, tuyên truyền quảng bá hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, bình ổn giá và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Không chỉ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, thời gian qua ngành Công thương đặc biệt quan tâm cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Sở đã trình UBND tỉnh công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Theo đó đề nghị UBND tỉnh công bố mới, sửa đổi, bổ sung 118 TTHC, hủy bỏ 43 TTHC; thực hiện đơn giản hóa TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết từ 25-50% đối với 11 thủ tục. Đến nay, Sở Công thương đã thực hiện niêm yết công khai các TTHC mới ban hành tại Sở theo đúng nội quy hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, 100% TTHC của Sở được công khai trên hệ thống một cửa liên thông của tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng thời hạn 2810 TTHC, bao gồm: lĩnh vực quản lý năng lượng 79 thủ tục, lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp 19 thủ tục, lĩnh vực lưu thông hàng hóa trong nước 1 thủ tục, lĩnh vực xúc tiến thương mại 590 thủ tục, lĩnh vực an toàn thực phẩm 6 thủ tục, lĩnh vực xuất, nhập khẩu 1.942 thủ tục, lĩnh vực dầu khí 172 thủ tục.
Đặc biệt, Sở đã tiếp nhận và xử lý 369 thủ tục hành chính trực tuyến tại Website motcua.ninhbinh.gov.vn, giúp tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí đi lại cho doanh nghiệp.
Theo kế hoạch năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh phấn đấu đạt 1.260 triệu USD, tăng 9,2% so với năm 2017, vượt 0,8% kế hoạch năm. Như vậy nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của lĩnh vực xuất khẩu còn khá nặng nề với kim ngạch ước đạt 647,4 triệu USD.
Chính vì thế, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển xuất khẩu, phát triển thương mại điện tử, kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và uy tín của hàng xuất khẩu, khai thác tốt các thị trường truyền thống và các thị trường mới có nhiều tiềm năng, nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu có lợi thế rõ ràng, có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao.
Phối hợp với Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ công thương Trung ương, Cục Xuất nhập khẩu tổ chức hội nghị phổ biến về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào đề án thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài. Hỗ trợ 2 doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng website thương mại điện tử với giao diện tiếng Anh và xây dựng các gian hàng trực tuyến trên trang bán hàng Alibaba để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Thời gian tới, Sở Công thương thường xuyên theo dõi các văn bản của Bộ Công thương để triển khai kịp thời đến các doanh nghiệp. Đồng thời, cung cấp thông tin thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động trong hoạt động xuất khẩu; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương và Bộ Công thương để hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi động.
Bên cạnh đó, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan về các biện pháp phòng, chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu trong nước cũng như của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu...
Nguyễn Thơm