Theo báo cáo của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện nay có 78 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống, tăng 35 làng nghề so với năm 2010, trong đó có 13 xã có làng nghề đã đạt chuẩn nông thôn mới. Các làng nghề truyền thống chủ yếu sản xuất ở các lĩnh vực: sản xuất thủ công mỹ nghệ (chế tác đá, thêu ren, chế biến cói, mây tre đan, mộc, gốm sứ); chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; trồng kinh doanh sinh vật cảnh; xây dựng; sản xuất cốt chăn bông...
Trong năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề tiếp tục duy trì, phát triển đa dạng về lĩnh vực ngành nghề. Tổng số hộ làm nghề trong các làng nghề khoảng 14 nghìn hộ với trên 27 nghìn lao động tham gia sản xuất tại làng nghề. Giá trị sản xuất nghề năm 2015 toàn tỉnh ước đạt 1.000 tỷ đồng.
Hoạt động làng nghề đã thu hút và tạo việc làm cho lao động nông thôn, mang lại thu nhập ổn định, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân trong làng nghề, thu nhập bình quân từ hoạt động nghề đạt 1,7 triệu đồng/người/tháng.
Tuy thu nhập không cao nhưng hoạt động của làng nghề có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là những lúc nông nhàn, góp phần phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh.
Để thiết thực hỗ trợ các làng nghề duy trì và phát triển, năm 2015, Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình, hoạt động và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Một trong những giải pháp quan trọng là Sở đã xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống trong vùng Di sản để tạo ra các sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ làm quà tặng, lưu niệm cho khách du lịch.
Thực hiện kế hoạch trên, Sở Công thương đã tổ chức đoàn khảo sát học tập tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất, phát triển các sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ làm quà tặng lưu niệm cho khách du lịch.
Đồng thời tổ chức đánh giá hiện trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh, trưng bày sản phẩm của các cơ sở sản xuất trong làng nghề đá mỹ nghệ và hỗ trợ 2 cơ sở chế tác đá mỹ nghệ trong làng nghề đầu tư khu trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm đá mỹ nghệ phục vụ du khách....
Việc triển khai kế hoạch khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống trong vùng Di sản đã giúp làng nghề có điều kiện đổi mới phương thức hoạt động, hướng tới sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách du lịch và qua đó cũng hỗ trợ ngành du lịch Ninh Bình ngày càng phát triển, để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng du khách.
Cùng với đó, Sở tiếp tục triển khai xét chọn và đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định công nhận 1 làng nghề truyền thống và 18 nghệ nhân cấp tỉnh. Đồng thời tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2015. Đã có 35 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Trong đó, nhiều sản phẩm xuất phát từ các làng nghề truyền thống như: chăn lụa tơ tằm thêu tay của Doanh nghiệp Minh Trang; sản phẩm thùng cói xiên của Xí nghiệp tư nhân cói Năng Động (huyện Kim Sơn); rượu nếp cổ truyền bình sứ của Công ty TNHH Nga Hải (huyện Kim Sơn); bộ ấm chén uống trà của Doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát (huyện Yên Mô)…
Việc tổ chức bình chọn đã phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển, qua đó các cơ quan Nhà nước có hướng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, trong đó có các làng nghề truyền thống.
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, hiện nay phần lớn các làng nghề trên địa bàn tỉnh còn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, chưa bắt kịp với sự phát triển của thị trường với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, chưa kết hợp với việc phát huy các giá trị truyền thống để phát triển du lịch ngay tại làng nghề...
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công thương, để đẩy mạnh phát triển làng nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động khu vực nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong thời gian tới, nhất là trong năm 2016, ngành Công thương kết hợp với các địa phương và đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với quy hoạch bố trí sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
Tổ chức rà soát, điều chỉnh đối với Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề gắn với du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đề án khuyến công, xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nông thôn đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp mà tỉnh có lợi thế như cói, thêu ren, đá mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ…, từng bước thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các làng nghề truyền thống.
Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, công nhận làng nghề, nghệ nhân năm 2016 để khích lệ các làng nghề, các doanh nghiệp làm sản phẩm làng nghề đầu tư đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm vừa bắt kịp với xu hướng kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập, vừa đảm bảo gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Hồng Giang