PV: Xin đồng chí cho biết về ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam? Thạc sỹ Nguyễn Thị Hoa Nhài: Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, trước khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dân tộc ta có không ít những người con ưu tú, yêu nước cháy bỏng và có tinh thần anh dũng hy sinh cao cả, như Nguyễn Trung Trực, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,... Nhưng các cuộc khởi nghĩa, cũng như các phong trào do các ông lãnh đạo cuối cùng đều bị thất bại. Nguyên nhân căn bản là do thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một học thuyết khoa học tiên tiến soi đường. Đến năm 1920, Nguyễn ái Quốc được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Người ứa nước mắt và reo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta".
Và cũng từ đó, Người đã tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam; đồng thời kết hợp phong trào yêu nước, phong trào công nhân với chủ nghĩa Mác- Lê-nin, thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta mới tìm ra con đường đi đúng, cách mạng nước ta mới giành được những thắng lợi vĩ đại, đưa dân tộc ta bước sang một trang sử mới, một thời đại mới. Chánh cương vắn tắt khi Đảng mới ra đời, Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10-1930, Chính cương Đảng Lao động Việt Nam tháng 2 -1951, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, bổ sung phát triển năm 2011 đều được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin.
Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin luôn là ngọn đuốc soi đường cách mạng Việt Nam. Gần chín thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên CNXH. Và ngày nay, cũng trên cơ sở nền tảng tư tưởng đó, Đảng ta đã giải quyết thành công một loạt vấn đề lý luận và thực tiễn mà sự nghiệp đổi mới đặt ra.
Những vấn đề về CNXH và con đường đi lên CNXH đã ngày càng rõ hơn. Nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn mới đã được nhận thức ngày càng đúng đắn qua các kỳ Đại hội và vận dụng sáng tạo vào công cuộc đổi mới, thu được những thành tựu quan trọng, trở thành "xương sống" lý luận của sự nghiệp đổi mới. Đó là các vấn đề: kinh tế thị trường định hướng XHCN; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và giữ vững độc lập, tự chủ; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong điều kiện mới; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ... Nhờ đó, sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta 30 năm qua đạt được những thành tựu "to lớn, có ý nghĩa lịch sử". Đó là bằng chứng hùng hồn khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
PV: Những năm qua, việc dạy và học lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được trường Chính trị tỉnh thực hiện như thế nào?
Thạc sỹ Nguyễn Thị Hoa Nhài: Đối với hoạt động giảng dạy và học tập lý luận chính trị nói chung, dạy - học môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng ở Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình trong những năm qua luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Bởi lẽ, trong phân phối chương trình, phần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được cấu trúc ở phần I, nghĩa là tham gia giảng dạy đầu tiên trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
Hơn nữa đây là phần học mang tính trừu tượng rất cao, nhiều nội dung lý luận, đòi hỏi phải có sự cố gắng nỗ lực từ hai phía (người dạy và người học) mới có thể truyền tải và lĩnh hội được hệ thống kiến thức lý luận này - hệ thống kiến thức đóng vai trò là nền tảng lý luận để định hướng nghiên cứu một số bộ môn tiếp theo.
Để nâng cao chất lượng dạy và học, hằng năm trên cơ sở tham mưu của khoa chuyên môn, Ban Giám hiệu đã xem xét, quyết định phân công bài giảng phù hợp với chuyên ngành đào tạo, năng lực của từng giảng viên. Ban Giám hiệu cũng thường xuyên tổ chức công tác dự giờ, kiểm tra hoạt động dạy và học của giảng viên và học viên, trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy cho giảng viên.
Đội ngũ giảng viên giảng dạy môn học đi sâu nghiên cứu, tìm biện pháp triển khai có hiệu quả nội dung bài giảng theo phương châm "gắn lý luận với thực tiễn" nhất là định hướng về nhận thức và giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với địa phương, ngành học viên đang công tác. Đồng thời, từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy vai trò chủ đạo của giảng viên, chủ động của học viên; đề cao tính tự giác, tự học, tự nghiên cứu của học viên; tăng cường trao đổi giữa giảng viên và học viên ,….
Mặt khác, đa số học viên đã nỗ lực, cố gắng, tận dụng có hiệu quả thời gian nghiên cứu, ôn tập để tự học, thảo luận nhóm, tích cực tham gia vào toàn bộ quá trình học tập. Hầu hết học viên đều nắm được những nguyên lý cơ bản, nắm được tinh thần cốt lõi, lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và áp dụng có hiệu quả lập trường, quan điểm, phương pháp ấy vào giải quyết những vấn đề thực tế trong hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" ở địa phương.
PV: Theo đồng chí, có cần thiết phải tăng cường việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ?
Thạc sỹ Nguyễn Thị Hoa Nhài: Trong bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn:"Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên thành lớp người vừa "hồng" vừa "chuyên", kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù có những biến động to lớn của tình hình, sự tiến công của các thế lực thù địch, nhưng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là cơ sở, phương pháp luận để giải quyết và soi sáng những vấn đề cơ bản của thời đại chúng ta, của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Vì vậy, công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho thế hệ trẻ nhất thiết phải được tăng cường nhằm giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc, toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, làm cho họ nhận thức đầy đủ, đúng đắn tính khoa học và cách mạng, giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đặc biệt nhận thức rõ vị trí, vai trò to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Do đó, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị cần quan tâm công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ; triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp đã được xác định trong Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030".
PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!
Phan Hiếu (Thực hiện)