Đến ngày 10/8, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa phát hiện trường hợp mắc cúm A/H1N1. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, thì việc làm tốt công tác giám sát, phòng bệnh trong cộng đồng sẽ góp phần quan trọng vào việc khống chế hiệu quả dịch bệnh. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có buổi làm việc với đồng chí Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế về những chỉ đạo, khuyến cáo của ngành đối với công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết công tác phòng, chống dịch cúm A(H1N1) đã được ngành Y tế triển khai như thế nào?
Đồng chí Vũ Văn Cẩn: Công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và cúm A(H1N1) nói riêng luôn được ngành Y tế đặc biệt coi trọng. Ngoài việc tham mưu thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị về cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị, nhân lực, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ ở tất cả các tuyến. Đến nay, tất cả các đơn vị điều trị đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Hệ thống giám sát, báo dịch cũng được duy trì từ tỉnh xuống cơ sở, đảm bảo xử lý nhanh những ca bệnh đầu tiên.
P.V: Thưa đồng chí, để làm tốt công tác phòng, chống dịch, khâu nào được coi là quan trọng nhất?
Đồng chí Vũ Văn Cẩn: Đối với ngành Y tế, tất cả các khâu đều phải được coi trọng, tuy nhiên nếu làm tốt công tác phòng bệnh thì chúng ta sẽ đỡ được khâu chữa bệnh. Muốn phòng bệnh tốt, người dân phải có kiến thức về bệnh đó. Chính vì vậy, trong các giải pháp phòng, chống dịch của ngành Y tế, công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng bệnh luôn được đưa lên hàng đầu.
Thực tế cho thấy, các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua cũng đã làm tốt khâu tuyên truyền, nhiều khuyến cáo của ngành Y tế đã đến được với người dân, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch.
P.V: Cùng với việc nâng cao kiến thức phòng bệnh cho nhân dân, ngành Y tế đã làm gì để phát hiện sớm các ca bệnh?
Đồng chí Vũ Văn Cẩn: Muốn phát hiện sớm các ca bệnh, chúng tôi phải dựa vào hệ thống báo dịch từ cơ sở, từ các bệnh viện. Mới đây, vào hồi 22h ngày 6-8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận 1 bệnh nhân 20 tuổi, là sinh viên, nhà ở phường Trung Sơn (thị xã Tam Điệp) vào viện với những biểu hiện sốt, ho, khó thở, nôn có dịch màu hồng… Ngay lập tức bệnh nhân đã được đưa vào khu cách ly, tổ chức điều trị tích cực và tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết. Bệnh viện cũng đã báo cho Trung tâm y tế dự phòng vào giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Rất may, kết quả cho âm tính. Tuy nhiên, do nhập viện muộn, bệnh nặng, bệnh nhân đã tử vong vào lúc 14h ngày 7-8.
Lúc chưa có kết quả trả lời của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhưng ngành Y tế đã triển khai tất cả các biện pháp khoanh vùng, xử lý môi trường nơi ở, nơi điều trị của bệnh nhân; chỉ đạo vận chuyển, khâm liệm, mai táng cho bệnh nhân theo đúng quy định của Bộ Y tế đối với một bệnh nhân mắc bệnh dịch nguy hiểm. Những người có liên quan, tiếp xúc với bệnh nhân cũng được lập danh sách theo dõi sức khỏe, được phổ biến cách tự giám sát, phòng bệnh.
P.V: Thời điểm bùng phát dịch cúm A(H1N1) cũng đồng thời với dịch cúm mùa thông thường, làm thế nào để phân biệt 2 loại cúm này thưa đồng chí ?
Đồng chí Vũ Văn Cẩn: Đã gọi là cúm thì chúng thường có những biểu hiện giống nhau, như: sốt, ho, đau họng, nhức đầu, đau mình, sưng khớp… Do đó, muốn phân biệt được, ta chỉ có thể dựa vào yếu tố dịch tễ, như có đi từ vùng dịch về không, có giao lưu, tiếp xúc nơi đông người không? Nhưng chắc chắn nhất là phải làm xét nghiệm.
P.V: Năm học mới sắp bắt đầu, một số trường học trong cả nước cũng đã xuất hiện chùm ca bệnh, ngành Y tế đã có giải pháp gì để bảo đảm sức khỏe cho học sinh trên địa bàn?
Đồng chí Vũ Văn Cẩn: Vừa qua, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ký kết 1 bản ghi nhớ, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch trong nhà trường. Theo chỉ đạo, tất cả các trường học, các cơ sở giáo dục đều phải kiện toàn Ban chỉ đạo y tế trường học để trực tiếp chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe học sinh nói chung và phòng, chống dịch bệnh nói riêng. Cùng với đó là việc xây dựng kế hoạch chống dịch cụ thể, phù hợp, củng cố lại các phòng y tế học đường; phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức giám sát, phát hiện dịch; tập huấn cho cán bộ, giáo viên, học sinh các biện pháp phòng, chống dịch cúm, phát hiện nhanh các trường hợp nghi ngờ. Trước khi khai giảng năm học mới, ngành Giáo dục phải tổ chức tổng vệ sinh lớp học, bếp ăn, ký túc xá. Khu vệ sinh phải có nước và xà phòng. Mặt bàn, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang phải được lau chùi thường xuyên. Lớp học phải thông thoáng. Hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm lớp có trách nhiệm ghi nhận, phát hiện và thông báo cho y tế nhà trường những học sinh có biểu hiện cúm. Hướng dẫn học sinh khi có triệu chứng cúm cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trên 1m với người tiếp xúc, không khạc nhổ bừa bãi, khi ho, hắt hơi phải có khăn che miệng. Nhà trường cũng nên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cha mẹ học sinh để nắm những trường hợp nghỉ học liên quan đến cúm. Thực hiện nghiêm việc đóng mở cửa trường học khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
P.V: Để người dân yên tâm, đồng chí có khuyến cáo gì?
Đồng chí Vũ Văn Cẩn: Cúm A(H1N1) là bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh hoặc các đồ vật nhiễm khuẩn. Bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát. Nếu chúng ta thực hiện tốt các biện pháp phòng hộ và vệ sinh cá nhân thì sẽ không bị nhiễm bệnh. Nếu nhiễm mà được phát hiện sớm, điều trị kịp thời theo hướng dẫn của cán bộ y tế thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn, không nguy cơ dẫn đến tử vong.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hà Trang (Thực hiện)