Nhưng theo nhận định của ngành chuyên môn, thực tế số ca dương tính ở Ninh Bình có thể cao gấp nhiều lần. Dịch đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan nhanh trong cộng đồng, chính vì thế, công tác dự phòng lúc này cần được tăng cường để hạn chế tối đa các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Bác sỹ Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Dịch cúm A đang diễn biến hết sức phức tạp và tập trung nhiều ở các trường học. Có thể phân chia việc bùng phát cúm A(H1N1) ở Ninh Bình ra làm 4 đợt. Đợt 1 vào đầu tháng 8, khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện nhưng là trường hợp ngoại lai, được điều trị tại Viện quân y 5 và không lây lan rộng.
Đợt 2 kéo dài khoảng 1 tháng, các bệnh nhân được xác định là lây nhiễm qua tiếp xúc với người bệnh nhưng do phát hiện sớm và làm tốt công tác dự phòng nên đã khống chế được dịch trong một thời gian. Đợt 3, dịch tiếp tục bùng phát sau Tết Trung thu, khi học sinh và người dân đi xa về nhiều, tụ tập ăn uống đông người, khiến cho bệnh dịch có điều kiện lây lan.
Đến nay, dịch bệnh lại tạm lắng xuống. Nhưng đây mới chỉ là thời điểm chớm dịch, đỉnh điểm của dịch sẽ vào mùa đông và có thể kéo dài từ 1-2 năm tiếp theo. Chính vì thế, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế lúc này vẫn là trang bị cho người dân những kiến thức cần thiết về phòng, chống bệnh cúm A(H1N1) để người dân có thể tự phòng ngừa. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng, chống cúm A(H1N1) ở cơ sở.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm A(H1N1) tỉnh, nguy cơ lây nhiễm cúm A(H1N1) trong trường học là rất cao, chính vì thế các trường cần hướng dẫn cho học sinh tự theo dõi sức khỏe, nếu thấy có các biểu hiện như sốt, ho, đau họng... nên cách ly, không đến trường và báo cho giáo viên chủ nhiệm. Hằng ngày, giáo viên chủ nhiệm phải ghi sổ theo dõi, báo cáo với Ban chỉ đạo của trường khi có học sinh sốt ở lớp và liên lạc ngay với phụ huynh khi có học sinh nghỉ học để biết rõ nguyên nhân. Các nhà trường, cơ quan, gia đình cần đặc biệt coi trọng công tác vệ sinh môi trường, mở cửa thông thoáng, lau bàn ghế và nền nhà, tay nắm cửa bằng nước tẩy rửa thông thường. Đối với mỗi cá nhân, cần hạn chế đưa tay lên mũi, miệng, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn mới về việc giám sát ca bệnh, theo đó, tại các trường khi có nhiều học sinh, giáo viên có biểu hiện của cúm thì không lấy mẫu xét nghiệm mà được điều trị ngay như bệnh nhân dương tính. Chỉ những ca bệnh ở ổ dịch mới, trẻ em dưới 5 tuổi, người già, phụ nữ có thai, cho con bú, người mắc bệnh mãn tính mới được lấy mẫu xét nghiệm và điều trị theo phác đồ cúm A(H1N1). Người bệnh sau khi đến các bệnh viện làm text thử nếu nghi nhiễm cúm A được cách ly tại cộng đồng hoặc tại các cơ sở y tế và được điều trị bằng thuốc Taminflu. Đối với những người liên quan, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và nhân viên y tế được lập danh sách, theo dõi trong vòng 7 ngày, nếu thấy có biểu hiện sốt mới dùng thuốc Taminflu. Không dùng Taminflu tràn lan để tránh kháng thuốc.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã được cấp trên 3.000 viên Taminflu và đã sử dụng khoảng 2.000 viên. Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh củng cố màng lưới phòng, chống dịch, rà soát, bổ sung nhân lực, phương tiện, thuốc, hóa chất đáp ứng dịch yêu cầu khi có dịch xảy ra. Đặc biệt coi trọng mạng lưới y tế thôn, bản. Mỗi cán bộ y tế thôn, bản được phân công theo dõi cụm dân cư có trách nhiệm báo cáo sớm khi phát hiện bệnh nhân. Trung tâm y tế dự phòng sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có bệnh nhân, hạn chế tối đa nguy cơ để xảy ra trường hợp có bệnh nhân tử vong.
Hiện nay, Bộ Y tế không khuyến cáo thành lập bệnh viện dã chiến để tránh hoang mang trong nhân dân. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm A(H1N1) của tỉnh xác định trong trường hợp xảy ra đại dịch, số lượng bệnh nhân đông, tỉnh sẽ có quyết định thành lập các bệnh viện dã chiến nhằm khống chế dịch bệnh, không để dịch ngoài tầm kiểm soát.
Nguyễn Thơm