Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết, qua giám sát chủ động đã phát hiện một số trường hợp dương tính với cúm A (H5N6) trên đàn gà nuôi tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn và trên đàn vịt nuôi tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là lần đầu tiên vi rút cúm A (H5N6) được ghi nhận tại Việt Nam. Chủng vi rút này đã từng được phát hiện ở vịt trời và chim hoang dã tại Thụy Điển, Đức, Mỹ, Đài Loan.
Kết quả xét nghiệm bằng giải trình tự gien của các mẫu vi rút cúm A (H5N6) phát hiện ở Việt Nam thấy có sự tương đồng đến 99% với chủng vi rút cúm A (H5N6) gây mắc và tử vong đầu tiên trên người tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào tháng 4 năm 2014 và trên đàn gia cầm ở khu vực bệnh nhân sinh sống. Do vậy, ngày 14-8-2014, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ra công điện khẩn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Thực hiện chỉ đạo này, Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu mạng lưới thú y cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh xuống trực tiếp các cơ sở chăn nuôi gia cầm để thông báo về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng dịch, bảo vệ đàn gia cầm.
Theo chân chị Phạm Thị Hằng, cán bộ thú y xã Yên Sơn (thị xã Tam Điệp), chúng tôi mới hiểu được phần nào tính chất vất vả của công việc này: Đến từng hộ gia đình, ra từng chòi canh, nắm số lượng cũng như kiểm tra sức khỏe đàn vịt. Những khi có hộ mới nhập đàn thì lại phải đi lấy vắc-xin đến tận nơi tiêm phòng. Rồi thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi ghi chép đầy đủ các thông tin vào sổ theo dõi từ ngày nhập, ngày xuất, số lượng, thời gian tiêm phòng… Nhưng chính nhờ sự theo dõi sát sao, sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng địa phương, nhận thức của phần lớn nhân dân, nhất là đối với các hộ chăn nuôi tập trung về dịch bệnh được nâng lên.
Anh Đinh Văn Quảng, thôn Lang Ca, xã Yên Sơn (thị xã Tam Điệp) cho biết: Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 1.000 con vịt, đây là nguồn thu nhập chính. Từ khi nuôi vịt đến nay đã được 5-6 năm, gia đình tôi luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc tiêm ngừa các loại vắc -xin để đảm bảo đàn vịt phát triển tốt, ổn định. Bên cạnh đó, gia đình thường xuyên tiến hành vệ sinh chuồng trại. Trong giai đoạn xuất hiện dịch bệnh như hiện nay, để bảo vệ đàn vịt, anh Quảng tăng cường vệ sinh chuồng trại, thay vì trước đây 1 tuần/lần bây giờ 3-4 ngày vệ sinh 1 lần kết hợp tiêu độc, khử trùng.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thị xã Tam Điệp vẫn còn xảy ra tình trạng các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ, lẻ không thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Bởi đây là nguồn dễ gây ra dịch bệnh và khó kiểm soát. Để giải quyết thực trạng trên, Phòng Kinh tế thị xã phối hợp Trạm Thú y thường xuyên vận động các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ tham gia tiêm phòng đầy đủ. Tuyên truyền, vận động người dân hạn chế nuôi gia cầm manh mún, nhỏ lẻ. Song song đó, phát triển mô hình chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, chú trọng nhân rộng mô hình chăn nuôi vệ sinh an toàn. Ngoài ra, thị xã Tam Điệp cũng đã từng bước di chuyển các trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung, tránh phát tán dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Ông Hà Quốc Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Chi cục thường xuyên lấy mẫu swab hầu - họng trên gia cầm sống bán tại các chợ trên địa bàn để gửi đi giám sát sự lưu hành của vi rút cúm. Bên cạnh đó, chỉ đạo Trạm thú y các địa phương quan tâm kiểm soát mua bán, vận chuyển giống gia cầm và gia cầm thịt ra vào địa bàn tỉnh. Duy trì đội kiểm tra lưu động kiểm tra tại các cơ sở tập kết, mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, ngăn ngừa việc gia cầm không xuất xứ nguồn gốc, không có kiểm dịch cũng như gia cầm từ Trung Quốc thẩm thấu vào thị trường. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc mới sinh, đàn gia cầm mới nhập, đàn đủ điều kiện tiêm phòng và triển khai kế hoạch tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu đông năm 2014. Đồng thời xây dựng kế hoạch cho Tháng khử trùng, tiêu độc trên phạm vi toàn tỉnh.
Cúm gia cầm H5N6 chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tuy nhiên việc phòng ngừa là rất quan trọng. Ngoài việc thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, tiêm vắc-xin phòng ngừa đầy đủ, người chăn nuôi cần theo dõi chặt chẽ, nếu thấy đàn gia cầm có hiện tượng ốm, chết bất thường cần báo cáo kịp thời cơ quan thú y để xử lý. Để đảm bảo sức khỏe, người dân nên sử dụng những sản phẩm gia cầm đã qua kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Thanh Chiên