Để đảm bảo việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ), thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động phối hợp với chủ doanh nghiệp tổ chức đối thoại với công nhân lao động (CNLĐ), tạo môi trường làm việc thân thiện, dân chủ, trách nhiệm và hiệu quả, không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, quan tâm đến đời sống và thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Thông qua các buổi đối thoại đó, đã kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động, để kiến nghị với các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết những vướng mắc, những đề xuất chính đáng của người lao động, góp phần ổn định tư tưởng của CNVCLĐ. Cũng thông qua đối thoại là cơ hội để người lao động thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Từ đầu năm tới nay, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, người sử dụng lao động tổ chức các chương trình giao lưu - đối thoại để "nghe công nhân nói và nói công nhân nghe" kết hợp với hoạt động "Cảm ơn thành viên" dành cho người lao động. Trong đó LĐLĐ tỉnh trực tiếp tổ chức 2 chương trình Giao lưu - Đối thoại, LĐLĐ các huyện, ngành tổ chức được 14 chương trình, với sự tham gia của 4.528 CNVCLĐ; chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức được 118 cuộc giao lưu đối thoại với sự tham gia của 8.089 lượt người. Một số đơn vị tổ chức thực hiện tốt như: LĐLĐ huyện Kim Sơn tổ chức chương trình giao lưu đối thoại tại Công ty TNHH một thành viên Master Vina với sự tham gia của lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, Chủ tịch CĐCS đóng trên địa bàn huyện và trên 300 CNLĐ của Công ty; LĐLĐ huyện Hoa Lư tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ và giao lưu đối thoại tại Công ty TNHH May Đông Thịnh Hưng với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, Huyện ủy, LĐLĐ huyện và trên 200 CNLĐ Công ty. Nội dung tập trung vào việc trao đổi những điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội, Luật BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp; Luật Công đoàn và hoạt động của tổ chức công đoàn…; Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức chương trình giao lưu đối thoại tại công đoàn cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường với sự tham gia của 70 cán bộ, đoàn viên và CNLĐ của Sở Tài nguyên và Môi trường. Trực tiếp tham gia đối thoại có các đồng chí đại diện cho lãnh đạo Sở, Công đoàn viên chức tỉnh, đại diện BHXH tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và xã hội. Nội dung giao lưu tập trung chủ yếu về các chế độ, chính sách liên quan đến BHXH, BHYT, chế độ tiền lương, tiền thưởng và hoạt động của tổ chức Công đoàn... Công đoàn ngành Y tế tổ chức 2 chương trình giao lưu đối thoại với sự tham gia của trên 150 CNVCLĐ Công đoàn cơ sở Bệnh viện Yên Khánh và Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn. Tổ chức đối thoại về những nét mới trong Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và các chính sách mới về BHXH, BHYT và các chế độ, chính sách của cán bộ, viên chức và lao động trong ngành Y tế... LĐLĐ huyện Yên Mô tổ chức chương trình giao lưu đối thoại tại Công ty TNHH một thành viên Toàn Thành và Công ty TNHH Phú Quang với sự tham dự của 280 đoàn viên, CNLĐ. LĐLĐ huyện Nho Quan tổ chức chương trình giao lưu đối thoại tại Công ty may Văn Phú với sự tham dự của trên 100 CNLĐ...
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng đã tăng cường tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Từ đầu năm tới nay, các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng đồng cấp tổ chức 52 cuộc kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Tuy nhiên, cũng thông qua các cuộc thanh, kiểm tra cho thấy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân chưa tổ chức đối thoại tại nơi làm việc một cách bài bản mà các đơn vị này thường lồng ghép trong các cuộc họp để giảm chi phí và không tốn thời gian thực hiện. Về phía người lao động, do hiểu biết pháp luật lao động còn hạn chế nên không quan tâm đến việc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Theo bà Lê Thị Bích Ngọc, Trưởng ban chính sách, Liên đoàn lao động tỉnh, đối với các doanh nghiệp lớn có đông công nhân, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc tổ chức đối thoại giữa ban giám đốc với đại diện người lao động được thực hiện khá thường xuyên. Tuy nhiên, trình tự, nội dung thực hiện trao đổi giữa hai bên vẫn chưa đúng quy định của một buổi đối thoại, trong đối thoại vẫn còn mang tính hình thức, đối phó, chưa có sự tham gia đóng góp ý kiến từ phía người lao động trong việc tìm ra các giải pháp để giải quyết các kiến nghị, nội dung đối thoại chưa phong phú, lặp đi lặp lại. Vì vậy, các buổi đối thoại vẫn chưa đạt hiệu quả tối đa.
Để Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ mang lại hiệu quả thực sự, cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan. Chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh chính sách của Nhà nước; tổ chức công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các doanh nghiệp chủ động tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức hội nghị đối thoại bảo đảm chất lượng, tránh hình thức, đối phó. Cùng với đó, cần chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở trong tuyên truyền, vận động và phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các buổi đối thoại đúng quy trình, kịp thời giải đáp tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người lao động.
Nguyễn Hùng