Văn Hải là xã có đông đồng bào có đạo, trong đó đồng bào Công giáo chiếm 85,5%. Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Văn Hải cũng như các địa phương khác trong huyện Kim Sơn gặp nhiều khó khăn: Sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thu nhập của người dân đạt thấp; kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ...và nếu so với bộ tiêu chí Quốc gia thì Văn Hải mới đạt 5 tiêu chí.
Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí về giao thông, trường học và xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa...
Xã đã vận động nhân dân đóng góp trên 2.000 ngày công, hiến hơn 1.000m2 đất, tháo dỡ 600m2 hàng rào bê tông, chặt bỏ 200 cây xanh... Tiêu biểu như Tổ dân vận thôn Tây Cường có trên 90% số hộ dân theo đạo Công giáo, tại đây các chức sắc, chức việc đã cùng vào cuộc vận động bà con hiến đất, hiến công, ủng hộ tiền... xây dựng 2km đường bê tông, làm cổng làng, xây dựng nhà văn hóa thôn, làm mới 2 cầu bê tông, xây dựng 30 thùng đựng rác trên các cánh đồng, khu dân cư.
Nhiều khu dân cư có trên 90% đồng bào có đạo trở thành điểm sáng trong công tác xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2018, huyện Kim Sơn có 16/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 64%.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo huyện Kim Sơn còn tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội"... Nổi bật là phong trào hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Đến nay, toàn huyện có 10.946 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó có 287 người đã hiến tặng giác mạc thành công, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong hoạt động đầy tính nhân văn này.
Đồng chí Hoàng Văn Thắng, Phó Bí thư Huyện ủy cho biết: Kim Sơn là huyện có tỷ lệ đồng bào có đạo cao, chiếm 52,29% dân số, trong đó đạo Công giáo chiếm 47,07%, đạo Phật 5,22%. Khắc ghi lời Bác, trong những năm qua, Đảng bộ, nhân dân trong huyện đã không ngừng tăng cường mối đoàn kết lương - giáo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Trải qua 190 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong hơn 70 năm kể từ khi Đảng bộ huyện Kim Sơn được thành lập, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu trong mỗi giai đoạn lịch sử đó là xây dựng khối đoàn kết lương-giáo. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Huyện Kim Sơn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác vận động quần chúng ở các xã có đông đồng bào có đạo và chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể trong huyện tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và đồng bào có đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, vận động người dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong đồng bào có đạo, trọng tâm là xây dựng phong trào "Xứ, họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về ANTT", xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…
Bài học lớn trong xây dựng mối đoàn kết lương - giáo, theo đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy đó là: Thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật.
Đồng thời thường xuyên làm tốt công tác tranh thủ sự đồng thuận của các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, tạo sự gần gũi, cộng đồng trách nhiệm đối với những vấn đề xã hội quan tâm như vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống tệ nạn xã hội…
Hàng năm, huyện tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, chúc mừng các vị chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo nhân các ngày lễ trọng của các tôn giáo và các dịp lễ, tết truyền thống của dân tộc. Đồng thời thường xuyên duy trì các hoạt động giao lưu thể thao với các chức sắc tôn giáo.
Bên cạnh đó, Huyện ủy đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện, bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Quan tâm huy động các nguồn lực xã hội, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, đặc biệt là sự ủng hộ, giúp đỡ của các chức sắc, chức việc tôn giáo thông qua các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc phát động như: Đồng bào Phật giáo tiếp tục theo phương châm "Đạo pháp, dân tộc và CNXH", đồng bào Công giáo theo phương châm "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc", "Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt"...
Đây là cách làm hiệu quả để vận động các tầng lớp nhân dân, đồng bào có đạo tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được đảm bảo, tôn trọng pháp luật.
Nói về công tác xây dựng khối đoàn kết lương giáo, đồng chí Hoàng Văn Thắng chia sẻ: Chúng tôi luôn xác định bên cạnh nhiệm vụ thực hiện tốt nhất các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách tôn giáo thì đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên phải nghiêm chỉnh, chuẩn mực trong công việc, gương mẫu trong lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững niềm tin trong nhân dân.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng phải chủ động, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, qua đó để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cùng chung tay nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo mối đoàn kết lương giáo trong từng cộng đồng dân cư để xây dựng quê hương Kim Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bảo Yến