Từ thời xa xưa, trong sản xuất nông nghiệp, ông cha ta đã biết đến vai trò của nước thể hiện qua câu ngạn ngữ "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống", điều đó có nghĩa: Cây trồng sẽ không sống được, hoặc sinh trưởng phát triển kém; năng suất, sản lượng thấp… khi không có hoặc thiếu nước. Tất cả các ngành công nghiệp đều trực tiếp hoặc gián tiếp có sử dụng nước, nhất là các ngành công nghiệp nặng thì đòi hỏi về nước càng tăng lên gấp bội. Nước còn có vai trò rất lớn trong việc điều hòa khí hậu và môi trường sinh thái. Có thể thấy, nếu không có nước thì không có sự sống trên hành tinh này và nước là động lực chủ yếu chi phối mọi hoạt động từ dân sinh đến phát triển kinh tế - xã hội của con người.
Nước có vai trò to lớn như vậy! Song hiện nay việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên này vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập, nhất là ở các nước kém phát triển, hoặc đang phát triển như Việt Nam. Lâu nay, người dân vẫn có ý cho rằng: Nước là vô tận, là của trời cho, không mất tiền mua… nên sử dụng bừa bãi, lãng phí, không có ý thức bảo vệ. Cùng với sự gia tăng về nhu cầu sử dụng, quá trình đô thị hóa thì sự ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng diễn ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng nguồn nước.
Ở Ninh Bình, các xã vùng ven biển Kim Sơn, Yên Khánh do trước đây sử dụng nhiều giếng khoan lấy nước ngầm (giếng Unicef), nay nhiều giếng không sử dụng được nữa. Hơi nước, nước mưa nhiều khi cũng bị ô nhiễm do khói, bụi của các nhà máy, xí nghiệp thải lên trời. Sự biến đổi của khí hậu cũng đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước và chất lượng nước: Nắng, nóng gay gắt hơn, khô hạn kéo dài hơn; bão, lũ xuất hiện ngày càng nhiều và khắc nghiệt hơn… Kết quả thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình cho thấy: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 151 công trình khai thác nước mặt, 40 công trình khai thác nước ngầm và 77 công trình có xả nước thải. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép cho 21 công trình khai thác nước mặt, 14 công trình khai thác nước ngầm và 19 công trình xả thải. Ngoài ra còn thực hiện quy hoạch bảo vệ nguồn tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2012-2020.
Để quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, công tác truyền thông phải đi trước một bước, với mục tiêu làm cho mọi người dân hiểu rõ vị trí, vai trò của nguồn tài nguyên quý giá này, từ đó có ý thức trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Trong đó, tập trung truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về nguồn tài nguyên này. Giới thiệu các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên nước; phê phán các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước; khai thác sử dụng bất hợp pháp nguồn nước; sử dụng lãng phí các nguồn nước; phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, xử lý rác thải… nhằm bảo vệ môi trường và các nguồn nước.
Các hình thức tuyên truyền và truyền thông, tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Đài truyền hình, đài phát thanh, Internet, tạp chí…; tổ chức các hoạt động: Mít tinh, ra quân làm vệ sinh, ký cam kết bảo vệ môi truờng, bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Tổ chức các cuộc thi: Sáng tác kịch bản phim, tiểu phẩm; sáng tác thơ ca, bài hát; vẽ tranh, ảnh; thi đấu thể thao, giải trí mang nội dung bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Treo biển quảng cáo, panô, áp phích cỡ lớn tại những điểm có nguy cơ ô nhiễm cao gây ấn tượng và tạo ra ý thức để bảo vệ nguồn tài nguyên này. Tổ chức điều tra, khảo sát, quy hoạch tài nguyên nước: Xác định rõ trữ lượng, loại nước, chất lượng nước, hiện trạng các nguồn nước; hướng quản lý, khai thác, sử dụng… Soạn thảo, ban hành các văn bản cần thiết về quản lý, sử dụng nước; bố trí kinh phí và cán bộ chuyên môn đủ để thực hiện. Xây dựng các công trình cấp nước tập trung đảm bảo có đủ nước sạch cho nhân dân dùng; kiểm soát chặt nguồn nước thải của vùng dân cư, khu công nghiệp và nước thải phải được xử lý đạt chuẩn theo quy định mới được xả thải ra hệ thống thoát và nguồn nước.
Nước là nguồn tài nguyên quý giá. Do vậy, mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần phải có ý thức trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và xả nước thải để bảo vệ nguồn tài nguyên này, vì lợi ích của chính mình và của cả cộng đồng.
Đinh Chúc