Theo Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020, tỉnh ta có 7 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với diện tích 1.472 ha, bao gồm: KCN Khánh Phú, KCN Khánh Cư, KCN Phúc Sơn, KCN Gián Khẩu, KCN Tam Điệp I, KCN Tam Điệp II, KCN Kim Sơn. Để thu hút và phục vụ các dự án đầu tư vào các KCN, những năm qua tỉnh đã quan tâm đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho 3 KCN là Khánh Phú, Gián Khẩu và Tam Điệp I.
Tính đến nay đã có 5 KCN đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90% và thu hút được 104 dự án của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước với tổng số vốn đầu tư đạt trên 38.000 tỷ đồng. Cùng với công tác phát triển hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư, tỉnh ta đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều quy định, thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động sản xuất công nghiệp tới môi trường tại các KCN.
Theo ông Hoàng Đức Long, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh: Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tại các KCN, trong những năm qua Ban quản lý các KCN tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về: quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong KCN thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường; thực hiện các kiến nghị do các đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời tăng cường công tác giám sát bảo vệ môi trường đối với một số dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm mỗi trường cao. Triển khai nghiêm túc việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp trong các KCN.
Tính đến nay, tỉnh ta có 95/104 dự án đăng ký đầu tư vào các KCN đã được phê duyệt, xác nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường, còn 9 dự án chưa hoạt động hoặc đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý về môi trường.
Cùng với đó, Ban quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tính từ năm 2015-2017, Ban quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra 43 doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN, kịp thời phát hiện sai phạm và tham mưu các cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Do vậy, vấn đề môi trường tại các KCN dần được cải thiện.
Việc xử lý nước thải tại các KCN đã và đang được triển khai, trong đó: KCN Khánh Phú đã đầu tư và đi vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 12.000m3/ngày đêm; KCN Gián Khẩu có Nhà máy xử lý nước thải tập trung cơ bản hoàn thành và đang trong giai đoạn vận hành, chạy thử; các KCN khác chưa được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên tại KCN Tam Điệp giai đoạn 1 và KCN Phúc Sơn các dự án được chấp thuận đầu tư đều phải tự xử lý nước thải đạt cấp độ A trước khi thải ra môi trường.
Đối với chất thải rắn thông thường phát sinh của các đơn vị sản xuất trong các KCN đã được thu gom, phân loại, một phần được bán tái chế, phần còn lại các doanh nghiệp ký hợp đồng với các đơn vị để vận chuyển, xử lý. Riêng chất thải nguy hại phát sinh được các doanh nghiệp thu gom, phân loại, lưu giữ tạm thời tại kho chứa chất thải nguy hại, định kỳ ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định.
Với môi trường không khí trong KCN, qua kiểm tra, giám sát cho thấy đa số các dự án có lượng xả khí thải ra môi trường không lớn và hầu hết các doanh nghiệp đã xây dựng, lắp đặt các thiết bị xử lý khí thải phát sinh trước khi thải ra môi trường, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trong hoạt động sản xuất.
Các nhà máy trong KCN có phát sinh khí thải đã thực hiện các biện pháp xử lý đảm bảo môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên theo đánh giá thực tế, công tác bảo vệ môi trường các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: một số doanh nghiệp trong các KCN chưa quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, việc đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải tập trung còn chậm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong các KCN chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh, Ban quản lý các KCN tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về bảo vệ môi trường và các nội dung theo đề án "Kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình".
Trong đó chú trọng việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật về việc lập và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai xây dựng các KCN. Chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.
Đồng thời yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong các KCN thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận.
Tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương liên quan thực hiện hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi quản lý. Đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, tác động xấu đến môi trường KCN và các khu vực phụ cận.
Hồng Giang