Sự phát triển của các cơ sở hành nghề y tư nhân thời gian qua đã tác động mạnh đến các cơ sở y tế Nhà nước, tạo sự cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Bên cạnh đó, hệ thống kinh doanh dược tư nhân phát triển nhanh về số lượng, phương thức hoạt động đa dạng, đã huy động được nguồn vốn và nhân lực. Thời gian qua, thị trường thuốc khá phong phú, thuốc thiết yếu, thuốc thông thường, thuốc chuyên khoa, đặc trị, giá cả khá ổn định, từng bước đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, mạng lưới bán lẻ phát triển rộng khắp đã góp phần đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh, là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Để đảm bảo an toàn về sức khỏe và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh của nhân dân, hàng năm, Sở Y tế đã quán triệt, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn theo định kỳ cho các cơ sở y tế tư nhân. Nhìn chung, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, tương ứng với từng loại hình cụ thể theo quy định của Luật Dược, Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân và các văn bản hướng dẫn của Nhà nước, của tỉnh.
Một số phòng khám đa khoa tư nhân đã đầu tư mua sắm thiết bị tiên tiến như: máy siêu âm màu 3D, 4D, máy nội soi tiêu hóa, nội soi tai - mũi - họng, máy điện tim 6 cần, ghế răng đa năng… Nhiều công ty dược và nhà thuốc đã làm tốt việc bảo quản thuốc, cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho người dân và các cơ sở khám, chữa bệnh, như Công ty TNHH dược phẩm Vũ Duyên, Hoàng Yến, Tràng An… Các cơ sở hành nghề y tư nhân đã thu hút được một lượng lớn người dân đến khám, điều trị. Từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm có gần 900.000 lượt người đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế Nhà nước.
Tuy nhiên, trên thực tế mạng lưới y tế tư nhân phát triển còn tự phát, không có quy hoạch, chủ yếu tập trung ở khu vực đông dân cư, đô thị. Đa số các cơ sở y tế tư nhân mới chỉ có diện tích sử dụng tối thiểu theo quy định để được cấp phép hành nghề. Việc ghi chép, cập nhật hồ sơ bệnh án, sổ sách tại các cơ sở hành nghề y tế tư nhân chưa đầy đủ, công tác báo cáo thống kê định kỳ chưa được thực hiện. Đội ngũ bác sỹ, dược sỹ còn bất cập về số lượng, chất lượng, nhất là bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 412 người được cấp chứng chỉ hành nghề y, y học cổ truyền tư nhân; 602 người được cấp chứng chỉ hành nghề dược tư nhân, trong đó có 25% là cán bộ, công chức, viên chức đăng ký hành nghề ngoài giờ hành chính; 30% là nhân viên y tế đã nghỉ hưu; 45% là đối tượng chuyên hành nghề y, dược tư nhân. Do vậy dẫn đến tình trạng "vắng mặt dược sĩ khi nhà thuốc (đại lý) mở cửa kinh doanh". Nguyên nhân của tình trạng này là hệ thống các văn bản về công tác quản lý Nhà nước trong hành nghề y, dược tư nhân còn bất cập, chưa đồng bộ, trong khi đó chế tài xử lý vi phạm lại chưa đủ mạnh.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành hàng năm theo kế hoạch và đột xuất, nhưng việc phát hiện sai phạm và xử lý vi phạm bằng các hình thức hành chính còn hạn chế, chưa hiệu quả. Số lượng các cơ sở được kiểm tra còn ít so với các cơ sở đang hành nghề. Từ năm 2006 đến tháng 8-2009, Sở Y tế đã tổ chức 31 cuộc thanh, kiểm tra. Trong 9 tháng năm 2009, toàn tỉnh mới kiểm tra được 66/946 cơ sở, đạt 14,3%. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý 7 cơ sở y, dược tư nhân vi phạm và phạt hành chính với tổng số tiền là 13triệu đồng, đình chỉ 3 cơ sở hành nghề vì chưa có giấy phép, dỡ biển hiệu 2 cơ sở, thu hồi 3 giấy phép đã hết giá trị sử dụng.
Thực tế từ công tác kiểm tra trong thời gian qua cho thấy, việc hành nghề y, dược tư nhân của không ít cơ sở còn có những vi phạm: Hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề hoặc giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn hoạt động; bác sỹ vừa khám, chữa bệnh vừa trực tiếp bán thuốc; bán các loại thuốc phải theo đơn của bác sỹ nhưng không ít trường hợp không có đơn thuốc của bác sỹ, nhà thuốc vẫn bán; có cơ sở kinh doanh dược bán thuốc theo "liều" do nhà thuốc tự định ra; nhiều nhà thuốc, cơ sở kinh doanh dược chưa phân lô rõ ràng các loại thuốc phải có đơn của bác sỹ và loại thuốc thông dụng để phục vụ nhu cầu của nhân dân; không thực hiện niêm yết giá đầy đủ theo quy định; dịch vụ cận lâm sàng vẫn còn bị lạm dụng, cá biệt có trường hợp để xảy ra tai biến về chuyên môn...
Để hoạt động hành nghề y, dược tư nhân đi vào nền nếp, đem lại niềm tin cho người bệnh, thực sự góp phần giảm tải cho y tế Nhà nước, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng quy hoạch và có chính sách cụ thể về phát triển mạng lưới cơ sở y, dược tư nhân, đảm bảo huy động tối đa nguồn lực của xã hội trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hành nghề y, dược tư nhân. Trong đó đặc biệt coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Mai Lan