Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có trên 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cơ sở hỗ trợ cho vay tài chính được cấp phép hoạt động, các huyện, thành phố có nhiều cơ sở là thành phố Ninh Bình, huyện Nho Quan, Hoa Lư, Yên Khánh, Kim Sơn… Năm 2017, Lực lượng Công an tỉnh đã đấu tranh, triệt phá 5 ổ nhóm, với trên 38 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi, có hoạt động siết nợ, đòi nợ thuê… Kiểm tra 480 lượt các cơ sở cầm đồ, phát hiện, xử lý 64 trường hợp vi phạm, phạt tiền 105 triệu đồng, tạm giữ 96 mô tô, 3 ô tô; thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT và kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép kinh doanh của 47 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, chủ động phát hiện, phòng ngừa đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật, không để xảy ra các vụ việc phức tạp liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, "tín dụng đen", cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 89/UBND-VP2 về việc tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật trong hoạt động "Tín dụng đen" và kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, nắm chắc tình hình, rà soát, phát hiện, lập danh sách số đối tượng có biểu hiện liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê; đặc biệt là hoạt động của các ổ, nhóm tội phạm trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó tiến hành phân công, phân cấp cụ thể để áp dụng các đối sách quản lý, đấu tranh.
Đặc biệt trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm lĩnh vực này, Công an tỉnh đã tập trung triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về cờ bạc, ma túy trên địa bàn. Siết chặt công tác quản lý các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về ANTT, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính để kịp thời phát hiện các đối tượng hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê theo quy định. Tăng cường kiểm tra, chủ động kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với những cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trên tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công nhân viên trong thực thi công vụ, không tiếp tay hoặc tham gia hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi nặng.
Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật trong hoạt động "Tín dụng đen" và kinh doanh dịch vụ cầm đồ, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư, các địa phương trong tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ công tác đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hậu kiểm việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ này; kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với những trường hợp cố tình vi phạm.
Cùng với đó là sự tham gia của UBND các huyện, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và gia đình trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, yêu cầu cam kết chấp hành nghiêm pháp luật, không phạm tội, mắc tệ nạn xã hội, không cầm cố tài sản, vay tiền của các đối tượng hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi nặng, phòng ngừa sai phạm.
Nguyễn Thơm