Các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đều đã thành lập được Ban chỉ đạo quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật; đồng thời ban hành nghị quyết, kế hoạch chuyên đề để chỉ đạo thực hiện. Lực lượng Công an đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương làm tốt việc khảo sát lập danh sách thanh, thiếu niên hư và thông báo danh sách thanh, thiếu niên hư tới các ngành, đoàn thể để phối hợp quản lý, giáo dục.
Toàn tỉnh đã tổ chức hàng nghìn hội nghị ở cấp huyện, cấp xã tuyên truyền, triển khai Chỉ thị số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và lực lượng Công an trong quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư được thực hiện tốt. Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành chỉ đạo tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với chủ đề "Chung tay giáo dục thanh, thiếu niên chậm tiến" tại 100% khu dân cư.
Toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, gắn với công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên được thực hiện tốt. Với nhiều việc làm tích cực, đồng bộ, các ngành, địa phương đã phối hợp lập danh sách thanh, thiếu niên hư, giao cho các tổ chức đoàn thể giáo dục, giúp đỡ; qua giúp đỡ, giáo dục nhiều thanh, thiếu niên hư tiến bộ và được đưa ra khỏi diện quản lý.
Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật chưa đầy đủ; việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa thường xuyên, liên tục, chưa có sự phân công cụ thể cho cán bộ chủ chốt trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ thanh, thiếu niên hư. Một số đơn vị chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản triển khai và tổ chức ký cam kết giữa các ban, ngành, đoàn thể; chưa tổ chức gắn kết với các phong trào bảo vệ ANTQ trên địa bàn.
Mặt khác, ở nhiều nơi tỷ lệ thanh, thiếu niên hư đang là học sinh cao, nhưng việc trao đổi thông tin giữa nhà trường, chính quyền địa phương và lực lượng công an nơi học sinh cư trú chưa được thường xuyên, chặt chẽ, nên việc quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư còn hạn chế. Ngoài ra, công tác rà soát, lập danh sách thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật ở một số xã, phường, thị trấn chưa được thực hiện nghiêm túc...
Trước thực tế trên, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật. Chỉ đạo lực lượng Công an làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở đẩy mạnh việc giáo dục thanh, thiếu niên hư. Các địa phương thực hiện tốt việc khảo sát, đưa vào diện quản lý, giáo dục và thống nhất các biện pháp cụ thể, thiết thực để quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư.
Gắn kết chặt chẽ phong trào quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư với các mô hình, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đang phát huy hiệu quả như "Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn", "Xứ họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về ANTT", "Dòng họ tự quản về ANTT", "Cụm giáp ranh về ANTT", "An toàn trường học"… Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Các huyện, thành phố quan tâm dành kinh phí cho công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư. Đưa nội dung công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư vào các buổi sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, thôn, xóm. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương và lực lượng Công an để có biện pháp quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư đang học tập tại các trường học. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về ANTT; quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh lưu trú, karaoke, game online, cầm đồ… giảm thiểu điều kiện phát sinh thanh, thiếu niên hư vi phạm pháp luật. Rà soát và nhân rộng các mô hình tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả trong quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật.
Trần Dũng