Thời gian vừa qua, do có sự điều hành chủ động, sáng tạo, phối kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát, tạo thuận lợi cho việc điều hành giá một số mặt hàng Nhà nước còn quản lý. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2017 tăng 3,39% so với cùng kỳ. CPI tháng 9/2017 so với tháng 12/2016 chỉ tăng 0,83%. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm 2017 tăng 1,45%, thấp hơn mục tiêu kế hoạch cả năm (khoảng 1,6%-1,8%).
Về cơ bản chỉ số lạm phát năm 2017 có nhiều khả năng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra dưới mức 4%. Tuy nhiên, từ quý 4/2017 còn một số yếu tố tác động lên mặt bằng giá như: Nguyên, nhiên liệu đầu vào do nhu cầu sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán, tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết... Vì vậy, công tác quản lý, điều hành phải hết sức thận trọng, linh hoạt, có kịch bản cụ thể, chi tiết để giữ vững ổn định thị trường.
Trước tình hình đó, các ngành chức năng của tỉnh cần làm tốt công tác tham mưu, xây dựng kịch bản cụ thể phù hợp trên địa bàn, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá, đặc biệt đối với những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong dịp lễ, Tết. Thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, không để thương nhân lợi dụng nâng giá, găm hàng, bán hàng hóa kém chất lượng, quá niên hạn sử dụng. Chuẩn bị tốt nguồn hàng, hỗ trợ cung ứng kịp thời nhu, yếu phẩm, hàng hóa, vật tư thiết yếu để ổn định đời sống cho nhân dân và khôi phục sản xuất, nuôi trồng tại các địa bàn xảy ra lũ lụt, quan tâm đến vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên tổng hợp tình hình triển khai, kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài chính theo đúng quy định.
Cần theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, đặc biệt là những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu vào cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 của người dân trên địa bàn để kịp thời có biện pháp thích hợp bình ổn giá theo quy định của pháp luật. Rà soát, đánh giá lại nhu cầu và nguồn hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện bình ổn giá cả, thị trường.
Trước mắt, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, kịp thời thông tin chính xác những thuận lợi, khó khăn, tránh những tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng mặt bằng và giả cả thị trường, đời sống của nhân dân.
Tăng cường công tác quản lý, bình ổn thị trường giá cả trên địa bàn góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, là tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội trong cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XXI đã đề ra.
Nguyễn Kim