Để quản lý, tổ chức tốt hoạt động lễ hội - du lịch, đặc biệt là thực hiện nghiêm Chỉ thị 05 của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, thị xã tuyên truyền, vận động, phổ biến các văn bản, các quy định của Nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội bằng nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nếp sống văn hóa khi tham gia lễ hội. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao tổ chức các hoạt động tuyên truyền như sửa chữa, nâng cấp, thay nội dung và làm mới hơn 3.000 pa nô treo trên các tuyến đường, hơn 100 cụm pa nô lớn (từ 20 đến 120m2), làm mới nội dung 200 cổng chào, kẻ vẽ mới 1.519 khẩu hiệu tường; chăng treo 2.000 băng rôn; chăng treo 910 dây cờ, đèn trang trí. Để triển khai thực hiện công tác quản lý lễ hội, tháng 2 năm 2015 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 105 về việc phối hợp đảm bảo an toàn, văn minh các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn của Sở. Theo đó, Phòng Nghiệp vụ du lịch đã phối hợp với UBND các xã có khu, điểm du lịch, đơn vị quản lý khai thác du lịch rà soát quy hoạch và bố trí nơi bán hàng, dịch vụ cho nhân dân địa phương tham gia làm dịch vụ du lịch, đảm bảo thống nhất, văn minh, lịch sự. Xây dựng nội dung, quy chế hoạt động, quy chế phối hợp để bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai thực hiện công nhận cơ sở lưu trú du lịch, cửa hàng mua sắm, ăn uống du lịch theo Luật Du lịch. Hiện nay, toàn tỉnh có 286 cơ sở lưu trú với 4.508 phòng ngủ, trong đó có 28 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 2 sao, 1 khách sạn 3 sao và 3 khách sạn 4 sao. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước được cải thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải, UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát hệ thống các biển báo giao thông, các biển quảng cáo, các biển chỉ dẫn đến các khu, điểm du lịch; tham mưu cho UBND tỉnh lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch hệ thống biển báo giao thông, biển quảng cáo, biển chỉ dẫn du lịch đảm bảo khoa học, thống nhất. Trực tiếp theo dõi hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lắp đặt các hệ thống biển quảng cáo, biển chỉ dẫn theo đúng quy hoạch. Phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp quản lý khai thác khu, điểm du lịch rà soát việc cấp chứng chỉ hành nghề chụp ảnh. Giúp địa phương, doanh nghiệp tổ chức sắp xếp lại các tổ chụp ảnh đảm bảo văn minh, lịch sự. Từ đầu năm đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp thực hiện 2 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở hoạt động dịch vụ du lịch tại 4 khu, điểm du lịch: Chùa Bái Đính, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch ở 2 điểm du lịch trên chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch như: không để một số thợ chụp ảnh không đeo thẻ hoạt động tại khu vực chùa Bái Đính; không để người bán hàng rong chèo kéo khách tại khu vực chùa Bích Động…
Vào mỗi dịp đầu xuân, Đền Dâu, Quán Cháo (thị xã Tam Điệp) đã đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái. Có mặt tại Đền Dâu vào ngày cuối tuần đầu tháng tư, chúng tôi nhận thấy công tác quản lý của nhà Đền cũng như chính quyền địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, không còn tình trạng rác xả bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường như một vài năm trước. Các dịch vụ từ bán lịch, sách, đồ hàng mã cho đến các quán ăn, điểm trông giữ xe… được cải thiện và nâng cao chất lượng. Những người dân địa phương ở chung quanh khu vực Đền tham gia làm dịch vụ cũng rất hồ hởi, hướng dẫn tận tình du khách đến tham quan, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa trong ứng xử giữa người dân sở tại với du khách hành hương về dự lễ hội. Điều này đã tạo được những ấn tượng tốt trong lòng du khách thập phương. Bà Lưu Thị Yến (Bắc Ninh) cho biết: Sau khi đi du lịch ở Tràng An, chùa Bái Đính, chúng tôi xuôi theo Quốc lộ 12B để đến Đền Dâu. Đến đây, tôi cảm nhận được sự tôn nghiêm, thành kính. Người dân cũng rất lịch sự, hướng dẫn nhiệt tình chúng tôi tham quan, chiêm bái. Đặc biệt, không có tình trạng "chặt chém" du khách khi đổi tiền lẻ, hoặc gửi xe. Công tác an ninh được bảo đảm.
Công tác quản lý môi trường, văn hóa, bảo đảm an ninh, an toàn các khu, điểm du lịch được tăng cường đã đem lại hiệu quả thiết thực. Theo báo cáo của ngành chức năng, trong quý I năm 2015, các khu, điểm du lịch trên địa bàn đón khoảng 2.686.533 lượt khách, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, khách nội địa là 2.522.748 lượt, tăng 21,6%; khách quốc tế là 163.785 lượt, tăng 4,9%; khách đến các cơ sở lưu trú đạt 96.304 lượt, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh thu du lịch đạt trên 568 tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Những chuyển biến bước đầu trong công tác tổ chức và quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn đang có nhiều thuận lợi để thu hút du khách. Với 1.499 di tích, 260 lễ hội truyền thống, đặc biệt Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới sẽ là điều kiện để ngành du lịch Ninh Bình phát triển trong những năm tới. Do vậy, công tác quản lý môi trường, văn hóa, bảo đảm an ninh, an toàn các khu, điểm du lịch phải luôn được tăng cường, xây dựng nếp sống văn minh, qua đó không chỉ tăng nguồn thu cho những người trực tiếp làm du lịch mà còn góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người Ninh Bình với bạn bè trong nước và quốc tế.
Đức Nghĩa