Xác định được những nguyên nhân gây tai nạn thương tích trẻ em, thời gian qua, tỉnh ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ. Theo đó, xã Khánh Cường và Khánh Hòa (huyện Yên Khánh) được lựa chọn làm điểm triển khai xây dựng mô hình "Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em" từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ. Để triển khai hiệu quả mô hình này, Sở Lao động, Thương binh vã Xã hội đã tổ chức tập huấn cho Ban chỉ đạo của xã và cộng tác viên của 2 xã về kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em; các tiêu chí xây dựng ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em; các biểu mẫu khảo sát thống kê liên quan. 100% cán bộ và cộng tác viên của 2 xã triển khai mô hình được tuyên truyền nhận biết các nguy cơ và biết cách phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã hướng dẫn UBND 2 xã triển khai khảo sát các hộ gia đình có trẻ em, đánh giá các tiêu chí về ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh tổ chức 2 cuộc tư vấn cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em tại 2 xã, hướng dẫn UBND 2 xã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh xã về kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Với sự tham gia của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân, thông qua các buổi họp xã, họp thôn có lồng ghép tuyên truyền, giáo dục cho người dân về nguyên nhân và cách phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Từ đó giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết, loại bỏ các mối nguy hiểm có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ xung quanh nhà và trong nhà, giảm đến mức thấp nhất các loại thương tích ở trẻ em tại gia đình và cộng đồng do các nguyên nhân trong sinh hoạt hàng ngày gây ra, góp phần nâng cao ý thức của người dân về an toàn cộng đồng, đặc biệt là lấy sự an toàn của trẻ em làm trọng tâm trong công tác phòng tránh tai nạn, thương tích. Cùng với việc xây dựng các mô hình ngôi nhà an toàn, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích nói chung và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Thực hiện các phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng tránh tai nạn, thương tích trẻ em.
Hướng dẫn Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin chỉ đạo tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn tiêu chí xây dựng ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em; kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em.
Xây dựng, cấp phát các panô, khẩu hiệu, tờ rơi tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em triển khai tới cơ sở. Làm biển báo nguy hiểm tại nơi có điện cao thế, nơi nước sâu, nơi đường giao thông không an toàn để cảnh báo đề phòng tai nạn có thể xảy ra với trẻ em tại 11 xã triển khai điểm mô hình phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em…
Nhờ đó, tất cả các hộ dân trên địa bàn các xã đã nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn thương tích cho con em mình. Cùng với đó, gắn với các hoạt động vui chơi ngoại khóa của trẻ em; lồng ghép tuyên truyền với việc tuyên truyền các chương trình quốc gia về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tuyên truyền tại các điểm du lịch, khu vui chơi, khu vực có sông, suối, các bến phà, bến đò ngang...
Từ năm 2014-2015, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức 30 cuộc tư vấn cộng đồng về kiến thức kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em với sự tham gia của trên 4.000 cán bộ và nhân dân; ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành chức năng và các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức 2 diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, 27 diễn đàn trẻ em tại các trường học và các nhà thiếu nhi trong toàn tỉnh với sự tham gia của 3.200 trẻ em. Thông qua diễn đàn, các em có cơ hội được tham gia, bày tỏ ý kiến, đối thoại trực tiếp với đại biểu lãnh đạo các ngành và nâng cao nhận thức và hiểu biết cho các em về phòng tránh tai nạn thương tích trẻ.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em, kỹ năng sơ cấp cứu các trường hợp khi bị tai nạn thương tích, bị đuối nước cho cán bộ, cộng tác viên tại cộng đồng, cán bộ y tế thôn bản, cán bộ của các tổ chức đoàn thể, giáo viên các trường học, cơ sở giáo dục, gia đình và bản thân trẻ em.
Từ năm 2013 - 2015 đã tổ chức 6 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em; kỹ năng cơ bản làm việc với trẻ em; kỹ năng thu thập thông tin, báo cáo về tình hình tai nạn, thương tích trẻ em cho 1.600 cộng tác viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, xóm, khu phố, cụm dân cư tại 4 huyện, thành phố; phối hợp với các cấp, các ngành chức năng trong phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em như: tổ chức 7 lớp dạy bơi miễn phí cho 140 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh trong dịp hè; phối hợp với Đoàn Thanh niên, ngành Giáo dục - đào tạo triển khai các câu lạc bộ, các diễn đàn, các buổi sinh hoạt… nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng an toàn cho trẻ trong môi trường nước và kỹ năng xử lý khi có người gặp tai nạn đuối nước. Vận động các cán bộ, đảng viên, nhân dân và đơn vị ký cam kết thực hiện xây dựng "Ngôi nhà an toàn", "Trường học an toàn", "Cộng đồng an toàn".
Nguyễn Hùng