P.V: Thưa ông, ông có thể cho biết, tình hình dịch cúm gia cầm trên thế giới và trong nước hiện nay như thế nào, nhất là dịch cúm nguy hiểm A(H7N9) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc? Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Theo thông tin từ Bộ Y tế, tình hình dịch cúm A(H7N9) ở Trung Quốc đang diễn biến rất phức tạp, hiện tiến sát biên giới Việt Nam với tốc độ đột biến, gia tăng về cả khu vực có người mắc và số ca mắc, số ca tử vong. Có thể nói, đợt dịch từ tháng 10 năm 2016 đến nay tại Trung Quốc là đợt dịch lớn nhất cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan với gần 500 trường hợp mắc, tỷ lệ tử vong cao (khoảng hơn 40%).
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc viêm đường hô hấp cấp do cúm A(H7N9) nhưng đáng chú ý, trong số 14 tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc của Trung Quốc, có Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam là những tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam và là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với nước ta.
Đối với dịch cúm A(H5N1), tình hình cũng đang diễn biến phức tạp ở cả trong nước và nước ngoài. Theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế, trong tháng 1-2017 đã xảy ra một số ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Xvây-riêng (Cam-pu-chia), là tỉnh có chung đường biên giới với nước ta.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận nhiều ổ dịch cúm A(H5N1) tại xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu); xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An); xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định). Bên cạnh đó, một ổ dịch cúm A (H5N6) cũng được ghi nhận tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi)… Riêng tại Ninh Bình cũng đã xuất hiện ổ dịch cúm A(H5N1) trên đàn gia cầm (vịt) tại thôn Khê Trung, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô.
P.V: Với tình hình dịch cúm gia cầm phức tạp như vậy, nguy cơ lây bệnh sang người là như thế nào, thưa ông?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực chất nguy cơ lây lan cúm gia cầm A(H7N9) giữa người và người là chưa thể khẳng định được. Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm, hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh. Đến thời điểm này, nước ta chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh cúm A(H7N9). Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định khả năng xâm nhập của dịch bệnh này vào nước ta là hoàn toàn có thể, nhất là trong mùa đông - xuân, là mùa của dịch cúm với các điều kiện thích hợp, như thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ... Cùng với tình trạng phức tạp về nhập lậu, buôn bán gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, từ đó các chủng vi rút cúm gia cầm có thể lây sang người như H5N1, H5N6, H7N9…
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người. Bộ Y tế đề nghị tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối. Xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch, tăng cường giám sát dịch bệnh chủ động trên các đàn gia cầm, kịp thời thông báo cho ngành Y tế địa phương khi phát hiện ổ dịch để phối hợp triển khai các biện pháp xử lý.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường vận động người dân hạn chế tiếp xúc gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi/đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng, có thể dẫn đến tử vong.
P.V: Đối với tỉnh Ninh Bình, là tỉnh có ngành Du lịch đang phát triển mạnh, nguy cơ lây nhiễm dịch là khá cao, ngành Y tế đã có những động thái gì trước tình hình dịch bệnh từ cúm gia cầm có thể lây lan sang người, thưa ông?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Đối với tỉnh ta, nhằm khống chế kịp thời dịch bệnh, ngăn chặn không để dịch xâm nhập và lây lan trên diện rộng, hạn chế tối đa tỷ lệ mắc và tử vong, đặc biệt chú trọng các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi có nguy cơ xâm nhập vào Ninh Bình, ngày 8-2-2017, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-BCĐ về phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh Ninh Bình năm 2017, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo, có kế hoạch đầu tư về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, với mục tiêu chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để ứng phó kịp thời, hiệu quả khi dịch bệnh xâm nhập cũng như giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để các ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng…
Đặc biệt, ngày 2-3-2017 vừa qua, thông báo của Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh về việc đã xuất hiện ổ dịch cúm A(H5N1) trên đàn gia cầm (vịt) tại thôn Khê Trung, xã Yên Đồng (Yên Mô) với tổng số 1.200 con vịt mắc bệnh, chết 1.075 con, đã tiêu hủy 3.560 con, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tiến hành xử lý môi trường, khử trùng, tẩy uế khu vực có vi rút cúm gia cầm lưu hành, về cơ bản hiện tại ổ dịch đã được dập tắt. Tuy nhiên, trước tình hình dịch cúm gia cầm xuất hiện tại khu dân cư đúng thời điểm mùa đông xuân và mùa lễ hội, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gia cầm tăng cao làm tăng nguy cơ dịch bệnh lây truyền từ gia cầm sang người và có thể bùng phát thành dịch ở người.
Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-BYT ngày 21-2-2017 của Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm A(H7N9) tại Việt Nam, Công điện số 01 ngày 23-2-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về phòng, chống dịch cúm gia cầm. Để chủ động ngăn chặn cúm gia cầm lây sang người, phát hiện sớm các ca bệnh trên người, Sở Y tế đã ban hành văn bản số 421/SYT-NVY ngày 2-3-2017 yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai ngay một số nội dung công việc.
Theo đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp bệnh có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với gia cầm ốm chết hoặc đi/đến vùng có dịch để kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.
Luôn chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, dập tắt nhanh dịch khi có dịch và khi dịch còn ở diện hẹp. Chỉ đạo các trạm y tế xã, phường, thị trấn đồng loạt tuyên truyền về tình hình dịch cúm gia cầm, cách phòng, chống cúm gia cầm lây sang người trên đài truyền thanh xã, khuyến cáo người dân báo cáo ngay với cơ quan thú y trên địa bàn khi phát hiện có gia súc, gia cầm (gà, vịt…) ốm chết.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì hoạt động trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh và phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người với các đơn vị thú y trên địa bàn. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cũng được quan tâm thỏa đáng, ngành Y tế đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tăng cường thông báo tình hình dịch cúm gia cầm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến cáo người dân về đặc điểm của bệnh dịch cúm gia cầm, cách nhận biết bệnh, khai báo bệnh, các biện pháp phòng, chống lây truyền cúm gia cầm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đồng thời, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP tại các chợ đầu mối, điểm bán thực phẩm, các nhà hàng, cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm; đặc biệt chú ý truy xuất nguồn gốc, tình trạng của gia cầm được bày bán và chế biến. Kết hợp kiểm tra với tuyên truyền cho những người buôn bán thịt gia cầm, cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm biết về sự nguy hiểm của dịch bệnh cúm gia cầm, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm để họ tự giác thực hiện các biện pháp đảm bảo ATTP và phòng, chống dịch bệnh.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Mỹ Hạnh