Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2019 đến ngày 31/7, số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn tỉnh là 46 trường hợp. Trong đó, nhiều nhất là huyện Gia Viễn với 13 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp nội sinh tại xã Gia Tân; tiếp đến là huyện Kim Sơn với 11 trường hợp mắc, trong đó có 1 ca nội sinh từ tháng 6; các huyện Nho Quan, Yên Khánh và thành phố Ninh Bình, mỗi địa phương có 6 trường hợp mắc bệnh, còn lại huyện Yên Mô và thành phố Tam Điệp có từ 1-3 ca, riêng huyện Hoa Lư chưa xuất hiện trường hợp nào mắc bệnh SXH. Trong số các ca mắc bệnh SXH, hầu hết là các ca ngoại lai đi từ Hà Nội và các tỉnh phía Nam về, chỉ có 3 trường hợp mắc bệnh nội sinh tại tỉnh đã được điều trị khỏi bệnh xuất viện. Điều đáng nói là bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng, tính riêng trong tháng 7, toàn tỉnh ghi nhận thêm 20 trường hợp mắc SXH, trong đó có 2 trường hợp nội sinh tại thành phố Ninh Bình và huyện Gia Viễn, đã xuất hiện 2 ổ dịch nhỏ, không có ca tử vong. Đối với các ca bệnh nội sinh, ngay khi phát hiện bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế các địa phương thực hiện khoanh vùng, phun hóa chất diệt côn trùng tại nhà bệnh nhân và các hộ xung quanh. Đến thời điểm đầu tháng 8/2019, ở xã Gia Tân (huyện Gia Viễn) và phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh SXH mới nào.
Ngày 29/7/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 07 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH. Trước khuyến cáo của Bộ Y tế về bệnh SXH có thể bùng phát thành dịch, ngày 30/7/2019, UBND tỉnh có công văn số 339 về việc tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố và cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động triển khai quyết liệt chiến dịch diệt loăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu: "Không có loăng quăng, không có sốt xuất huyết", chú ý đến các điểm tập trung đông người như chợ, trường học, bến xe, bến tàu, bệnh viện. Đồng thời, kiện toàn, tăng cường công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người các cấp, các ngành, thường xuyên nắm tình hình và có biện pháp phòng, chống kịp thời, đặc biệt chú trọng các dịch bệnh như SXH, tay-chân-miệng, tiêu chảy cấp và các dịch bệnh mùa bão lụt. Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của chính quyền để đôn đốc công tác phòng, chống dịch ở các khu vực có ổ dịch bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm cũ; kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt lưu ý trường mầm non, các nhóm lớp mầm non tư thục, các hộ trông trẻ tại gia đình...
Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Sốt xuất huyết là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, có sức lây lan mạnh. Bệnh do siêu vi trùng tên là Dengue gây ra và loại virus gây bệnh SXH luôn tồn tại trong cộng đồng. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành thông qua vật trung gian là muỗi vằn. Bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, đặc biệt tập trung vào đối tượng chính là trẻ em do khả năng đề kháng của cơ thể còn yếu. Người nhiễm bệnh SXH thường có những biểu hiện như sốt cao đột ngột từ 2-7 ngày, xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm, chảy máu cam, nôn ra máu. Ngoài ra, người bệnh còn bị sốc với mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm hoặc không đo được, chân tay lạnh, bứt rứt…, kèm theo một số triệu chứng không đặc trưng như: chán ăn, đau cơ, đau khớp, đau bụng. Bệnh SXH có khả năng dẫn đến trụy tim mạch, rất dễ gây ra tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Hiện nay, so với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, tỉnh Ninh Bình là địa phương có tỷ lệ mắc bệnh SXH chưa nhiều, chưa xảy ra ổ dịch lớn, không có trường hợp tử vong và các ca bệnh chủ yếu là ngoại lai, nhưng ngành Y tế Ninh Bình không chủ quan, lơ là với nhiệm vụ phòng, chống bệnh SXH nói riêng và các bệnh truyền nhiễm nói chung. Theo đó, các cấp, các ngành, địa phương phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh SXH bằng việc chủ động ngủ màn, diệt muỗi, loăng quăng, làm sạch các vật dụng chứa nước trong gia đình. Tiếp tục duy trì công tác giám sát dịch, chủ động phát hiện sớm ca bệnh, giám sát chặt chẽ tại các bệnh viện trên địa bàn, phòng khám tư nhân, phòng khám đa khoa, trạm y tế phường, xã, các trường mầm non và tại cộng đồng. Phân công cán bộ trực tiếp nhận thông tin và kiểm tra thông tin các ca bệnh truyền nhiễm mới xuất để triển khai các hoạt động điều tra, xử lý kịp thời. Đồng thời khuyến cáo người dân, để hạn chế số ca bệnh diễn biến phức tạp do bệnh truyền nhiễm SXH, người dân cần theo dõi những dấu hiệu bệnh sớm như: sốt liên tiếp, nôn mửa, đi ngoài nhiều, xuất hiện các đốm nhỏ, lở loét da, chán ăn…, đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Cùng với đó, ngành Y tế cũng tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, có các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh SXH; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện dịch bệnh SXH trên địa bàn.
Mỹ Hạnh