Nội dung pháp luật tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm yêu cầu của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng tình hình chính trị của địa phương, thiết thực với người dân. Các hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật đa dạng như: Tuyên truyền tại hội nghị, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng hoạt động của tủ sách pháp luật, câu lạc bộ pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo chuyên ngành. Hình thức PBGDPL qua mô hình "Ngày pháp luật" trên địa bàn tỉnh đã trở thành nét mới trong ý thức sinh hoạt văn hóa pháp lý của đời sống cộng đồng; trình độ, kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PBGDPL được nâng cao; ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân có chuyển biến rõ rệt, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Công tác PBGDPL có nơi, có lúc chưa được chỉ đạo, thực hiện thường xuyên, đồng bộ, chặt chẽ, đặc biệt là cấp cơ sở. Công tác phối hợp trong hoạt động PBGDPL có nơi, có việc còn chưa nhịp nhàng, khoa học. Một số văn bản pháp luật mới ban hành, đã có hiệu lực nhưng chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kịp thời đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật còn có mặt hạn chế. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tuy đã được đổi mới nhưng chủ yếu vẫn dựa vào các hình thức tuyên truyền truyền thống. Một bộ phận báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa tâm huyết với công việc, kỹ năng phổ biến pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân của tồn tại trên là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của công tác PBGDPL. Chế độ thù lao, chính sách cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra nên chưa phát huy được sự nhiệt tình của đội ngũ làm công tác PBGDPL. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ người làm công tác PBGDPL mới chưa được thực hiện thường xuyên. Số lượng văn bản pháp luật ban hành mới nhiều, lại thường xuyên sửa đổi, bổ sung gây khó khăn cho công tác PBGDPL. Ngoài ra, kinh phí cho công tác PBGDPL còn ít so với khối lượng, nội dung công việc được giao; một số cơ quan, đơn vị chưa dành kinh phí thường xuyên chi cho công tác PBGDPL...
Nhằm tăng cường công tác PBGDPL, năm 2015 Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu đó là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 32-CT/T.Ư ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; Thông tri số 05-TT/TU ngày 14-6-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiện toàn, bổ sung về tổ chức hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Chủ động rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật. Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ phổ biến pháp luật; cập nhật kiến thức pháp luật mới cho các báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt là đội ngũ cán bộ pháp chế ở các sở, ngành, doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc phổ biến các văn bản pháp luật phục vụ cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Triển khai nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo Đề án 16/ĐA-UBND của UBND tỉnh; thực hiện có hiệu quả các Đề án "Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2013 - 2016"; Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường"; Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số"... Chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động hòa giải ở cơ sở; tổ chức quán triệt nội dung Luật Hòa giải và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là các điểm mới về mẫu sổ theo dõi hoạt động, chế độ thù lao cho hòa giải viên... Thực hiện tốt công tác PBGDPL, nâng cao nhận thức và ý thức về pháp luật cho người dân, tạo sự ổn định về an ninh trật tự phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trần Dũng