Cùng Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 3 của tỉnh kiểm tra một số cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, đồ ăn uống tại huyện Hoa Lư, chúng tôi nhận thấy, phần lớn các cơ sở lớn, có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng đã có ý thức trong sản xuất, kinh doanh, chế biến để đảm bảo doanh thu và giữ uy tín cho thương hiệu, cửa hàng mà mình đã đăng ký. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường thực phẩm sôi động và phong phú, trong đó chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia và các sản phẩm từ thịt, thủy, hải sản.... Trước nhu cầu sử dụng các mặt hàng này tăng cao, nhiều hộ kinh doanh đã chuẩn bị một lượng hàng hóa nhất định để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó có những mặt hàng không rõ nguồn gốc, một số ít được tích trữ, bảo quản trong điều kiện chưa đủ về nhiệt độ, khu vực bảo quản...
Chị Lê Thị Thao, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) - chuyên buôn bán hoa quả tươi cho biết, trước nhu cầu thực tế của người dân, chị cũng nhập thêm các loại hoa quả như lê, nho, táo, mận, đào, xoài, cam, doi... và không rõ nguồn gốc ở đâu. Các loại quả này được nhập từ chợ đầu mối Hà Nội hoặc Ninh Bình, các hộp được đóng kín nhìn không rõ tiếng Trung Quốc hay tiếng Nhật Bản. Các chủ đầu mối, người cho biết đó là hàng Trung Quốc, người khẳng định hàng Thái Lan, hàng Nhật Bản, hàng Châu Âu... Các loại hoa quả này khi bán đến tay người tiêu dùng chỉ từ 20-40 nghìn đồng/kg thì không thể là hoa quả nhập khẩu đạt tiêu chuẩn, chất lượng an toàn được.
Tại các chợ truyền thống - nơi hiện vẫn được phần lớn người tiêu dùng từ nông thôn đến thành thị chọn lựa mua sắm, cung cấp phần lớn lương thực, thực phẩm, hoa quả, các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cuộc sống người dân thì vấn đề ATTP tại đây còn nhiều điều phải lưu tâm. Đó là tình trạng nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không được kiểm chứng bày bán công khai; tình trạng thực phẩm chín bán lẫn thực phẩm sống; vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm khi không được chế biến sạch sẽ, che chắn, thực hiện đúng quy trình về đảm bảo ATTP ...
Để đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã thành lập 3 đoàn, phân công theo các tuyến, tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Trong đó chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đặc biệt, quan tâm đến việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo ATTP lưu thông, phân phối trên thị trường và các chợ đầu mối, siêu thị.
Đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Để đảm bảo chất lượng ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển và cạnh tranh lành mạnh của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP với mục tiêu tăng cường kiểm soát bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Theo Kế hoạch, từ ngày 1/1/2019 đến hết 25/3/2019, các ngành như Y tế, Công thương, Nông nghiệp &PTNT, Công an, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, có yếu tố nguy cơ cao, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Cùng với đó, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân, phấn đấu không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân vui Xuân, đón Tết.
Theo đó, trước Tết Nguyên đán, các đoàn thanh tra, kiểm tra tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết; kiểm soát nguồn gốc các nguyên liệu, thực phẩm như thịt và các sản phẩm từ thịt, rau, củ, quả; bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo; kiểm tra các phương tiện vận chuyển thực phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh... Cùng với đó, để tạo hiệu quả tích cực hơn nữa, trong quá trình kiểm tra về ATTP, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, cung cấp kiến thức pháp luật và khoa học về ATTP cho cộng đồng; kịp thời thông tin kết quả thanh, kiểm tra về ATTP; nêu gương tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật; đồng thời phê phán, nêu tên các cơ sở, sản phẩm không đảm bảo an toàn..., từng bước nâng cao ý thức người sản xuất và tiêu dùng trong thực hiện vấn đề ATTP.
Sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng sẽ góp phần hạn chế đáng kể những vi phạm về ATTP, giúp người dân thuận lợi trong việc tiêu dùng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức cơ bản về ATTP, như không mua các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có tem, nhãn mác, nên mua sắm ở những địa chỉ tin cậy, có uy tín, được cấp phép, có kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm..., từ đó có thể bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh