Mới đây, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở và có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, là cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở. Trên địa bàn tỉnh, công tác hòa giải ở cơ sở nhiều năm qua đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành Tư pháp phối hợp với ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên cùng cấp triển khai thực hiện khá đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2013, ủy ban MTTQ tỉnh và Sở Tư pháp đã hướng dẫn MTTQ cấp cơ sở phối hợp chính quyền cùng cấp quan tâm chỉ đạo các Ban công tác Mặt trận, phối hợp với trưởng thôn củng cố kiện toàn 1.148 Tổ hòa giải/1.680 khu dân cư, với trên 8.260 hòa giải viên. Tổ chức hòa giải thành 2.108 vụ việc mâu thuẫn, xích mích tại cộng đồng (chủ yếu là tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong gia đình, gây ô nhiễm môi trường...), đạt tỷ lệ trên 80% vụ việc.
Qua đó, góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở. Đồng thời, hạn chế đơn thư khiếu kiện trong nhân dân, giảm bớt tình trạng khiếu nại đến tòa án nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan nhà nước và công dân. Nhiều địa phương tỷ lệ hòa giải thành đạt cao như: huyện Nho Quan đạt tỷ lệ 89%; thành phố Ninh Bình đạt tỷ lệ 87%; huyện Kim Sơn đạt tỷ lệ 84%...
Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: ở một số ít địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa thấy hết tầm quan trọng và hiệu quả của công tác hòa giải, nên chưa quan tâm chỉ đạo, đầu tư mua sách và tài liệu pháp luật phục vụ công tác hòa giải; đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải thường kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, không có nhiều thời gian dành cho công tác hòa giải; cán bộ hòa giải ở miền núi, vùng sâu, vùng xa điều kiện làm việc, đi lại khó khăn, song chế độ đãi ngộ còn thấp; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ hòa giải chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn tự vận dụng kiến thức và kinh nghiệm để làm công tác hòa giải; kinh phí phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; sự phối hợp giữa ngành Tư pháp, MTTQ và các đoàn thể trong công tác hòa giải có nơi còn thiếu chặt chẽ, còn hình thức, chưa huy động được đông đảo các thành viên tham gia.
Để công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian đến trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt kết quả cao hơn nữa thiết nghĩ việc triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải cần được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức, phù hợp đối tượng góp phần đưa pháp luật hòa giải vào cuộc sống. MTTQ các cấp cần tiếp tục thực hiện đề án "Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2012- 2016" của ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở bảo đảm chất lượng, có kiến thức pháp luật nhất định, có kỹ năng tốt về tuyên truyền pháp luật.
Chú trọng phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, cá nhân tiêu biểu; tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về pháp luật cho cán bộ, hội viên, để làm cộng tác viên cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.
Trong đó, vai trò của MTTQ các cấp ở cơ sở và Ban công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư là hết sức quan trọng như: thành lập Tổ hòa giải, bầu Tổ trưởng Tổ hòa giải, đánh giá hoạt động Tổ hòa giải..., nhất là việc phối hợp với chính quyền hiệp thương, lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn để nhân dân bầu làm hòa giải viên; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật về hòa giải; phối hợp tuyên truyền, giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật về hòa giải… bồi dưỡng kỹ năng hòa giải và tham gia giải quyết khiếu nại của nhân dân, khắc phục khiếu kiện đông người vượt cấp ngay từ cơ sở. Qua đó góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương
Đinh Trường Sơn (UBMTTQ tỉnh)