Qua 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, toàn tỉnh đã tiếp nhận 17.412 lượt công dân đến trụ sở tiếp dân các cấp khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 383/396 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 96,7%.
Qua giải quyết khiếu nại đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 216 triệu đồng; kiến nghị trả lại cho công dân 226 triệu đồng và 1.293m2 đất. Giải quyết 197/240 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 96,5%; từ việc giải quyết tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 1.149 triệu đồng, 8.050m2 đất.
Công tác tiếp công dân, xem xét kết luận, quyết định giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đảm bảo theo đúng quy định. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đã được tập trung giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, trên thực tế công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn một số tồn tại, đó là công tác thụ lý, xác minh, giải quyết một số vụ khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành chưa đảm bảo thời gian, chất lượng giải quyết còn hạn chế.
Việc thực hiện trình tự, thủ tục trong giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ các bước, Việc thực hiện kết luận, kiến nghị, xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân có sai phạm thực hiện chưa nghiêm; việc khôi phục quyền lợi hợp pháp cho công dân trong một số vụ việc còn chậm.
Các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài ở một số đơn vị chưa được tập trung chỉ đạo và giải quyết dứt điểm. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo chưa được tổ chức thường xuyên, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều người dân còn bị lợi dụng khi thực hiện khiếu nại, tố cáo. Công tác hòa giải ở cơ sở trong giải quyết vụ việc khiếu nại chưa cao.
Nguyên nhân của các tồn tại chủ yếu là do chính sách, pháp luật còn có những bất cập, chưa phù hợp với thực tế; trong đó có các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân chưa đạt yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện việc khiếu nại, tố cáo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa sâu sát, thiếu quyết liệt.
Trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế. Trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của người làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở còn hạn chế, thiếu sót. Một số công dân khi khiếu nại, tố cáo chưa nắm vững quyền và nghĩa vụ của mình, chưa nắm được thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan Nhà nước dẫn đến khiếu kiện vượt cấp.
Mặt khác, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn kéo dài, tình trạng đơn thư tồn đọng chưa được khắc phục triệt để. ý thức chấp hành pháp luật của người đi khiếu nại, tố cáo chưa cao.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung, khiếu nại liên quan đến đất đai, tài sản, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án còn diễn biến phức tạp, vẫn còn nhiều trường hợp khiếu nại vượt cấp và tình trạng khiếu nại đông người.
Trước thực tế trên, nhằm thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Ngành Thanh tra và cán bộ tiếp dân tham mưu, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần tiếp tục quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Kiện toàn và hoàn thiện tổ chức tiếp công dân theo đúng quy định. Tăng cường việc đối thoại trong quá trình xem xét giải quyết khiếu nại của công dân. Rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài và những vụ việc liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng; không để khiếu kiện vượt cấp xảy ra, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Hoàng Hiệp