Về thăm Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, sau khi đi tham quan, chiêm bái cảnh chùa, các di tích lịch sử…, hầu như du khách nào cũng có nhu cầu thưởng thức món đặc sản truyền thống của Ninh Bình là thịt dê, cơm cháy. Đáp ứng nhu cầu khách hàng, hàng loạt các nhà hàng trên địa bàn xã Trường Yên, Gia Sinh được "mọc" lên, với cơ sở vật chất sẵn sàng đón khách.
Về với huyện ven biển Kim Sơn, tuy không thu hút đông khách du lịch như các địa phương khác trong tỉnh, nhưng hầu như khách du lịch nào khi về tham quan Nhà thờ đá Phát Diệm cũng đều muốn thưởng thức món gỏi nhệch, bún mọc nổi tiếng của Kim Sơn…
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai nhiều hoạt động như: truyền thông đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tập huấn kiến thức cho người tham gia sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm... Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn từ tỉnh đến cơ sở được chú trọng, thực hiện theo từng thời điểm, đặc biệt tăng cường sau dịp Tết Nguyên đán nhằm tập trung kiểm tra các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ lễ hội, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách du lịch, tập trung tại các khu, điểm khu lịch như: khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu di tích lịch sử văn hóa văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính và Khu du lịch sinh thái Tràng An, các nhà hàng trên địa bàn thành phố Ninh Bình...
Qua đó không chỉ góp phần chấn chỉnh, đưa các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chấp hành nghiêm các quy định của Luật An toàn thực phẩm, mà còn góp phần cùng ngành du lịch thu hút du khách thập phương yên tâm khi về du xuân, trảy hội tại Ninh Bình.
Nếu như du khách có thể thưởng thức các món ăn tại các nhà hàng, nhất là các nhà hàng, cơ sở quy mô, có uy tín bởi đây là những cơ sở thường xuyên có sự kiểm tra của ngành chức năng về các điều kiện như: cơ sở vật chất, nguyên liệu đầu vào, vệ sinh môi trường, việc chế biến… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thì đối với các hàng quán bán thức ăn sẵn, nhất là các loại bánh trái, đồ ăn sáng…, ở các khu vực xung quanh các lễ hội, các khu, điểm du lịch lại đang là vấn đề đáng quan tâm. Dịp về dự lễ hội báo bản làng Nộn Khê (xã Yên Từ-Yên Mô), với mong muốn về dự lễ hội làng truyền thống và thưởng thức các món bánh đặc sản của làng như: bánh nùng, bánh đúc…, một nhóm các gia đình từ thành phố Ninh Bình có mặt ở lễ hội từ rất sớm để hòa vào không khí vui tươi của lễ hội và thưởng thức các món ăn dân dã. Quả thật, trong không khí hội xuân, các món bánh được bày bán rất nhiều dọc hai bên lối khu vực chợ quê đã thu hút hầu hết các thành viên trong đoàn. Bánh nùng, bánh đúc nhân lạc, bánh gai… rồi bún, phở, giò, trứng… được bày bán không che đậy, mặc dù hôm đó thời tiết mưa phùn mà lượng người dự hội lại đông.
Chị Lê Thị Nga (phường Đông Thành) chia sẻ: Các món bánh của lễ hội làng luôn là món ăn mà bản thân tôi và gia đình mong muốn được thưởng thức. Nhưng giá như chúng được bày bán sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ hấp dẫn hơn. Mặc dù cho trẻ con đi theo nhưng bố mẹ lại không dám cho con ăn nhiều vì sợ bụi bặm, không vệ sinh… Tại các hàng quán trong lễ hội, do lượng du khách đông nên hầu như các chủ hàng tạm quên việc dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh khu vực bán hàng. Tuy là thức ăn chín nhưng việc cắt bánh, lấy bánh, cắt giò, chả… cho khách nhưng những người bán hàng đều không đeo găng tay để đảm bảo vệ sinh… Tại các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh, các loại bánh trái, hoa quả dầm… được bày bán khá nhiều, khách mua cũng khá đông nhưng ít người quan tâm đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Theo phân cấp quản lý nên các đoàn liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở, nhà hàng theo quy định. Đây là những cơ sở được cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được kiểm tra, giám sát thường xuyên của ngành chức năng. Đối với các quán ăn, quán hàng, những hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ, lẻ, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát thuộc về chính quyền địa phương các xã, phường, thị trấn.
Nếu như các địa phương quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh, buôn bán chấp hành tốt việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu chế biến thực phẩm, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực bán hàng, vệ sinh bát, đũa sạch sẽ... cho đến tuân thủ các quy định về nguồn nguyên liệu… thì người tiêu dùng có thể yên tâm với các sản phẩm, thức ăn được bày bán tại các lễ hội, khu, điểm du lịch mà mình đến tham quan. Nếu công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương không được thực hiện thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm, mất uy tín với du khách…
Vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mùa lễ hội cần có sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền mỗi địa phương có khu, điểm du lịch, các lễ hội truyền thống… nhằm đem lại sự an toàn, vui tươi cho du khách.
Bùi Diệu