Nổi bật như: tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp; các ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Cục thi hành án dân sự, Hội Luật gia tỉnh đã tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tư pháp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp. Các cơ quan tư pháp đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các đạo luật mới được ban hành có liên quan trong lĩnh vực tư pháp đến đông đảo nhân dân. Sở Tư pháp, ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp biên soạn nhiều tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư. Các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện có hiệu quả chỉ thị của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới". Cơ quan điều tra, viện kiểm sát 2 cấp đã phối hợp chặt chẽ trong công tác bắt, giam, giữ; công tác bắt, xử lý, điều tra đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không xảy ra việc lạm dụng bắt khẩn cấp, bắt quả tang và không có trường hợp nào bắt, giữ oan. Trong quý I năm 2018 đã bắt tạm giữ 230 đối tượng, trong đó bắt tạm giam 40 đối tượng, bắt quả tang 141 đối tượng, bắt khẩn cấp 16 đối tượng, đầu thú, tự thú 4 đối tượng, truy nã 14 đối tượng. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Cũng trong quý I, Tòa án 2 cấp đã xét xử sơ thẩm 89 vụ, 163 bị cáo, các vụ án được xét xử nghiêm minh, được dư luận đồng tình, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải cách tư pháp thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế đó là: Trong hoạt động xét xử chưa có cơ chế đảm bảo vai trò trung tâm của Tòa án, chưa có quy trình tranh tụng tại Tòa; việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tranh tụng chưa được quan tâm đúng mức, do vậy ở một số phiên tòa việc tranh tụng còn hình thức, hiệu quả không cao. Trong hoạt động thi hành án dân sự, số tiền phải thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều. Trong hoạt động giám sát, việc thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề về lĩnh vực tư pháp còn ít so với yêu cầu, việc kiểm tra, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết một số kiến nghị sau giám sát, sau chất vấn có lúc, có việc chưa kịp thời. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, một số quy định của pháp luật chưa được các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương giải thích, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời, dẫn đến việc nhận thức và áp dụng pháp luật để giải quyết một số vụ án chưa thống nhất. Sự phối kết hợp giữa ngành, cấp ủy trong thực thi nhiệm vụ có việc hiệu quả chưa cao.
Để tăng cường công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tiếp tục chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Thực hiện tốt chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2018. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách tư pháp ở các huyện, thành phố. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp 2 cấp trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác giám sát của các cơ quan dân cử, nhất là giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND đối với các hoạt động tư pháp, trọng tâm là giám sát việc thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và việc áp dụng luật trong quá trình khiếu nại, tố cáo. Tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; không để oan và lọt tội phạm, người phạm tội do lỗi của người tham gia tố tụng. Tích cực đấu tranh phòng ngừa và chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có việc phải đến cơ quan tư pháp. Công khai, minh bạch các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm hiệu quả, sát hợp với từng đối tượng, địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm của nhân dân.
Trần Mạnh Dũng