Điều đáng lo ngại là đối tượng hút thuốc lá đang ngày càng tăng lên ở lứa tuổi thanh, thiếu niên và cả ở phụ nữ. Nhiều tài liệu cho thấy khói thuốc lá có chứa hơn 4.000 loại hóa chất độc hại, trong đó hơn 40 loại hóa chất là tác nhân gây bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư, như chất Nicotin, chất hắc ín, chất gây nghiện...
Người hút thuốc lá không nhận thấy ngay tác động xấu đến sức khỏe, mà các chất độc hại qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện gây nên các bệnh như bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, bệnh răng lợi, gây loãng xương, đau nhức thân thể, khó ngủ, bệnh còi xương; suy dinh dưỡng, trí tuệ chậm phát triển ở trẻ em... ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến hút thuốc và hơn 30 triệu người không hút thuốc vẫn bị ảnh hưởng do hút khói thuốc thụ động.
Ở Ninh Bình, mặc dù tỉnh ta đã thường xuyên triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, tình trạng hút thuốc lá ở công sở, nơi công cộng đã giảm đáng kể, tuy nhiên số người nghiện thuốc lá không giảm nhiều, nhất là đối với thanh, thiếu niên, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, môi trường sống và kinh tế.
Để tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá với mục tiêu: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá và các văn bản hướng dẫn.
Xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc và giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá của các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục kiện toàn mạng lưới cán bộ phụ trách công tác phòng, chống tác hại thuốc lá và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để triển khai có hiệu quả phòng, chống tác hại thuốc lá tại địa phương.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, bên cạnh đẩy mạnh công tác chỉ đạo, kiện toàn mạng lưới cán bộ phụ trách, xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch hoạt động của các ngành, địa phương, đơn vị..., cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức mít tinh, tuyên truyền về phòng, chống tác hại thuốc lá.
Tổ chức truyền thông trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng không khói thuốc; sản xuất các pano tuyên truyền với nội dung phổ biến Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, nơi quy định cấm hút thuốc và xử phạt vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc; Tổ chức tập huấn về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc và Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho các đối tượng liên quan; xây dựng các mô hình môi trường không khói thuốc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, kịp thời biểu dương khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt và duy trì mô hình, ý tưởng sáng tạo, hiệu quả; tổ chức các đợt thanh, kiểm tra liên ngành việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và giám sát việc thực hiện các hoạt động môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị...
Đỗ Bằng