Thời gian qua, để đảm bảo vệ sinh môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, các ngành chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh nhằm tăng cường các giải pháp quản lý vệ sinh, môi trường tại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, góp phần ổn định sản xuất của các doanh nghiệp và đảm bảo đời sống cho người lao động.
Ông Hoàng Đức Long, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Tất cả các dự án của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Ninh Bình đều đã được phê duyệt báo cáo về môi trường và thực hiện các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đã được phê duyệt. Công tác quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại được thực hiện đúng quy định, chất thải rắn được phân loại và có kho chứa riêng biệt. Về nước thải, các doanh nghiệp đã xây dựng trạm xử lý nước thải tại nhà máy để xử lý đạt cấp độ quy định và chuyển về trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp xử lý tiếp đạt cấp độ A trước khi thải ra ngoài môi trường. Công tác quản lý khí thải nhìn chung được thực hiện tốt, không để xảy ra ô nhiễm. Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp FDI thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, công tác vệ sinh môi trường tại nhà máy được thực hiện hàng ngày, sạch sẽ.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, các ngành chức năng cũng đã phát hiện một số doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường chưa tốt. Trong các KCN đã để xảy ra 13 vụ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của công nhân trong các KCN và khu dân cư lân cận, trong đó KCN Khánh Phú 7 vụ, KCN Gián Khẩu 5 vụ, KCN Phúc Sơn 1 vụ.
Tại KCN Gián Khẩu, do chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải nên nhiều lần gây bức xúc trong khu dân cư lân cận vì ô nhiễm môi trường. Ban quản lý Khu công nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời. Tuy nhiên vừa qua, Công ty TNHH Great Global International đã có hiện tượng xả nước thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên với lượng nước thải lớn hơn 100m3/ngày ra môi trường, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) đã lập biên bản và UBND tỉnh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, các doanh nghiệp FDI đã tổ chức đào tạo, tư vấn cho công nhân. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động vẫn chưa tổ chức được các lớp tập huấn cho công nhân về an toàn lao động. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng chưa đảm bảo môi trường an toàn cho người lao động làm việc như xử lý bụi, khói, tiếng ồn, nhiệt độ... Điển hình như tại Công ty Giầy Adora và Công ty YG Vina xảy ra một số vụ người lao động bị ngất khi đang làm việc. Mặc dù đã có kiến nghị nhiều lần nhưng chủ doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện tích cực. Công ty MCNEX Vina xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm trên 150 người lao động phải nhập viện...
Việc bảo vệ môi trường tại các Cụm công nghiệp cũng còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do hiện tại chưa có doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp nên các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều chưa xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, nhà điều hành, bảo vệ và các công trình khác phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp dẫn đến công tác đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về việc thực hiện các chế độ cho người lao động, công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ của các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp, lãnh đạo Sở Công thương đề nghị UBND tỉnh xem xét thành lập đoàn kiểm tra liên ngành định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động. Các địa phương dành nguồn kinh phí hợp lý để hỗ trợ đẩy nhanh quá trình đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của các cụm công nghiệp.
Đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng đề xuất: Các ngành Công an, Tài nguyên môi trường, Lao động - thương binh - xã hội và các sở liên quan cần phối kết hợp tốt hơn nữa trong công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc và xử lý kịp thời những tồn tại. Về an ninh trật tự, ngành Công an cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình an ninh, phòng ngừa trộm cắp bất ổn. Về công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế cần tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền và kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp tổ chức thực hiện các quy định, mở các lớp đào tạo, tập huấn kịp thời cho người lao động. Các sở, ngành cũng cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định. Tăng cường giám sát doanh nghiệp trong quá trình lao động, tuân thủ quy định pháp luật.
Nguyễn Thơm