Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại thấp Đã nhiều năm nay, cứ định kỳ là anh Phạm Xuân Bắc, tổ 19, phường Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp) lại đưa 2 con chó của gia đình đến một trung tâm chăm sóc chó mèo có uy tín ở thành phố Ninh Bình để tiêm phòng các loại bệnh cần thiết, trong đó có vắc xin phòng dại. Theo anh Bắc, việc tiêm phòng là rất cần thiết, chỉ tốn 1-2 trăm nghìn/năm là đã bảo vệ được sức khỏe cho vật nuôi, đồng thời ngăn ngừa dịch bệnh lây lan cho các thành viên trong gia đình cũng như mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, số hộ nuôi nhận thức được hiệu quả của việc tiêm phòng dại cho chó lại không phải là nhiều. Đặc biệt là ở vùng nông thôn, nơi tổng đàn chiếm đa số, công tác tiêm phòng càng gặp trở ngại. Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, Trạm trưởng Trạm thú y thành phố Tam Điệp cho hay: So với tiêm phòng lợn, gà, trâu bò thì việc tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo khó khăn hơn rất nhiều.
Thời gian qua, tuy lực lượng thú y cơ sở của thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc tiêm phòng bệnh dại như thông báo xuống tận khu dân cư, tổ chức các đợt cao điểm tiêm vắc xin phòng dại trên chó, mèo và thường xuyên tiếp nhận tiêm đơn lẻ… nhưng tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm phòng hàng năm vẫn còn đạt thấp.
Nguyên nhân là do vật nuôi thả tự do nhiều nên việc bắt giữ rất khó và nguy hiểm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có các chế tài đủ nghiêm để bắt buộc người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng cho đàn chó, mèo. Và thực tế hiện nay, nhiều xã, phường còn làm chiếu lệ, chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo; thậm chí có hiện tượng địa phương thống kê không đúng, không đầy đủ, khai giảm số lượng chó, mèo trên địa bàn.
Theo tổng hợp của ngành Thú y, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó hàng năm trên địa bàn tỉnh ta chỉ đạt trên dưới 70% kế hoạch, thậm chí có địa phương chỉ đạt 50 hoặc 60% như huyện Kim Sơn, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp.
Song song với tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại thấp thì việc người nuôi không xích, nhốt mà thả rông chó mèo phổ biến như hiện nay đang tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho cộng đồng. Trên thực tế, bất kể những con chó to lớn, dòng hung dữ hay những loại chó cảnh hoàn toàn có thể vượt khỏi sự kiểm soát của chủ và tấn công bất kỳ người dân nào khi bị kích động. Trên địa bàn tỉnh ta mỗi năm đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp bị chó cắn.
Cụ thể, theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2012, mỗi năm tỉnh ta có khoảng 800 người bị chó nghi dại cắn phải tiêm điều trị dự phòng. Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây, số trường hợp bị chó mèo cắn được điều trị tiêm huyết thanh kháng và vắc xin tại các Trung tâm y tế có xu hướng tăng lên với trên 1.300 ca mỗi năm.
Bác sỹ Trần Văn Thiện, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết thêm: Những năm gần đây, số người bị chó cắn phải điều trị dự phòng tăng lên. Đặc biệt mức độ vết thương nghiêm trọng hơn và tỷ lệ trẻ em bị chó cắn nhiều hơn.
Chung tay khống chế bệnh dại
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut dại gây ra. Bệnh lây truyền qua nước bọt của động vật bị bệnh bài tiết ra ngoài theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách hoặc qua màng niêm mạc vào cơ thể. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp bệnh dại đứng hàng thứ 12 trong các bệnh truyền nhiễm gây tử vong cho con người. Việt Nam là một trong những nước nằm trong vùng dịch tễ có nguy cơ cao.
Mặc dù nước ta đã khống chế thành công bệnh dại ở chó vào những năm 2000, tuy vậy trong 5 năm gần đây bệnh này lại đang có xu hướng tăng trở lại với hàng chục ca tử vong mỗi năm. Còn tại Ninh Bình, năm 2015 bệnh dại đã trở lại sau khi ghi nhận một trường hợp bị tử vong do chó dại cắn tại xã Đức Long, huyện Nho Quan (trước đó, từ năm 1999 đến năm 2014 không xuất hiện trường hợp bệnh dại nào).
Nhằm mục tiêu khống chế bệnh dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2021 và tiến tới loại trừ bệnh dại, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021. Ngay sau đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành Chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể.
Theo đó, phấn đấu 100% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó; tỷ lệ chó nuôi được tiêm phòng vắc xin dại tại các xã, phường, thị trấn đạt trên 85%; trên 95% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh không có ca bệnh dại trên chó trong 2 năm liên tiếp; giảm 95% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại trên người; giảm 90% số người tử vong do bệnh dại vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh dại trung bình giai đoạn 2011-2015.
Giải pháp đầu tiên được đưa ra là quản lý tốt đàn chó nuôi. Thời gian tới, chủ nuôi chó sẽ phải thông báo việc nuôi chó với trưởng thôn, xóm, tổ trưởng dân phố, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên gia đình.
Chó đi ra ngoài đường phải được xích và rọ mõm; trưởng thôn, xóm, tổ trưởng dân phố lập danh sách báo cáo UBND cấp xã, phường, thị trấn; trên cơ sở danh sách các hộ nuôi chó đã tập hợp được, UBND cấp xã tổ chức tiêm phòng vắc xin dại triệt để trên đàn chó.
Sẽ phát động tháng cao điểm tiêm phòng vắc xin dại cho chó vào tháng 3-4 hàng năm, tổ chức đợt tiêm phòng tập trung theo địa bàn từng thôn, xóm, tổ dân phố hoặc cụm dân cư; tổ chức tiêm bổ sung cho chó mới phát sinh hoặc bị bỏ sót chưa được tiêm, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt mục tiêu đã đề ra.
UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ vắc xin dại tiêm phòng cho chó nuôi trên địa bàn từ nguồn ngân sách địa phương trong giai đoạn thực hiện Chương trình để khống chế bệnh dại.
Đồng thời, kiện toàn và mở rộng số lượng các điểm tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại phục vụ công tác điều trị dự phòng, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ cao.
Có thể sẽ hỗ trợ tiêm vắc xin miễn phí cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao như vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hay tiêm vắc xin miễn phí dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao như cán bộ làm các công việc lấy mẫu bệnh phẩm, tiêm vắc xin dại cho chó.
Khuyến khích các huyện, thành phố nơi có khu du lịch xây dựng vùng an toàn bệnh dại để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, thu hút du khách tới du lịch, tham quan. Tổ chức đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố không có bệnh dại.
Một giải pháp quan trọng đó là tăng cường tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bệnh dại, nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, của chính quyền cơ sở và của cả cộng đồng với mục tiêu "cộng đồng chung tay phòng, chống bệnh dại".
Nguyễn Lựu