Giá trị trực tiếp của sông Đáy là cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp; cung cấp nước tưới cho cây trồng và nuôi trồng thủy sản trong lưu vực sông, đồng thời còn phòng, chống xâm nhập mặn vào sâu vùng nội địa.
Giá trị gián tiếp: Phục vụ cho giao thông vận tải thủy; chứa và tự làm sạch chất thải; tạo cảnh quan môi trường, điều hòa không khí, phục vụ cho du lịch, thể thao, giải trí trên sông; bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái đất ngập nước…
Sông Đáy là con sông chính của tỉnh, có chế độ dòng chảy phức tạp do ở thượng lưu đã bị chia cắt bởi sông Hồng, lại chịu ảnh hưởng của các sông nội địa và đoạn hạ lưu chịu ảnh hưởng của thủy triều. Do vậy diễn biến chất lượng nước trên sông Đáy rất phức tạp, thay đổi thất thường, phụ thuộc nhiều vào chất lượng nước thải từ sản xuất và sinh hoạt ở các kênh, mương, sông nội địa… từ hai bên bờ sông Đáy đổ vào sông.
Các nhà khoa học đã thực hiện khảo sát chất lượng nước sông Đáy, cho thấy: Tại cầu Gián Khẩu, CDO đạt từ 20-30mg/l, vượt quá tiêu chẩn A từ 2-3 lần; BOD5 từ 10-20mg/l, vượt quá tiêu chuẩn A từ 1,3-1,8 lần. Hàm lượng cặn một số nơi đạt từ 18-29mg/l, vượt quá tiêu chuẩn A từ 1,2-1,5 lần. Hàm lượng nitơ có trong nước khá cao: NH4+ ở một số nơi đạt 0,15mg/l (vượt quá tiêu chuẩn A là 3 lần); hàm lượng NO2- từ 0,2-0,27mg/l, vượt quá tiêu chuẩn A từ 20-27 lần và vượt quá tiêu chuẩn B từ 4-5,5 lần. Hàm lượng nitơ có mặt trong nước khá cao chứng tỏ nước bị ô nhiễm từ nguồn thải sinh hoạt, chăn nuôi gia súc khá nặng.
Đoạn hạ lưu sông Đáy, tuy nguồn thải ở thượng nguồn dồn về đã được pha loãng cộng với quá trình tự làm sạch của dòng sông, nhưng do ảnh hưởng của nguồn thải sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt ở hai bên ven sông nên chất lượng nguồn nước ở hạ lưu sông Đáy không được cải thiện nhiều so với các đoạn trên. Hàm lượng chất hữu cơ, NH4+,NO2-, vẫn không đạt tiêu chuẩn A, có thời gian không đạt tiêu chuẩn B. Đặc biệt ở vùng cửa sông do chịu ảnh hưởng của thủy triều nên chất lượng nước cũng được các yếu tố khác biến đổi rất phức tạp. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra ô nhiễm nguồn nước sông Đáy mà nguyên nhân chủ yếu là do dòng sông Đáy phải tiếp nhận nhiều nguồn nước thải, từ sản xuất đến sinh hoạt trên phạm vi rộng và dài.
Nước sông bị ô nhiễm đã gây tác động mạnh và trực tiếp tới đời sống của người dân tại lưu vực sông nói trên, đặc biệt là người dân nông thôn và người nghèo. Họ không được tiếp cận với hệ thống nước sạch hoặc thiếu nước cho sinh hoạt. Đây chính là yếu tố làm gia tăng bệnh tật của người dân thuộc lưu vực sông: Bệnh đường ruột, phụ khoa, da liễu, thậm trí gây ra bệnh ung thư…, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ khá cao vì đây là đối tượng nhạy cảm, sức khỏe dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện môi trường. Sự ô nhiễm nguồn nước làm thay đổi cấu trúc lòng sông, thảm thực vật hai bên bờ và khả năng thoát lũ của dòng chảy…
Để bảo vệ nguồn nước dòng sông Đáy và lưu vực xung quanh, ngày 29-4-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020". Theo đó thì không chỉ có tỉnh nhà mà các tỉnh bạn có liên quan cũng phải "vào cuộc": Tăng cường đầu tư bảo vệ nguồn nước dòng sông Đáy; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra xả thải bảo vệ môi truờng dòng sông; áp dụng các công nghệ tiên tiến giảm thiểu xả thải ô nhiễm môi trường; nâng cao ý thức cho người dân trong lưu vực sông…
Để cho dòng sông mãi mãi trong xanh mỗi người, từng địa phương cần ý thức được trách nhiệm của mình; cũng như cần phải có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, kiên quyết để bảo vệ và giữ gìn môi trường và nguồn nước dòng sông Đáy.
Hương Giang