Chị Bùi Bích Phương, 27 tuổi, xã Yên Mạc (huyện Yên Mô), lần đầu tìm việc tại các doanh nghiệp, chị chỉ chọn những công ty tăng ca nhiều, kể cả làm ca đêm hay cách xa nhà nhiều cây số, với mục đích duy nhất là tăng thêm thu nhập. Chị Phương bỏ qua những công ty có thu nhập dao động từ 5 - 6 triệu đồng/tháng mặc dù gần nhà để chọn Công ty Điện tử Mcnex Vina cách nhà 20km - nơi có mức thu nhập sau tăng ca là 9 - 10 triệu đồng/tháng.
"Tôi muốn tăng ca để có thu nhập tốt hơn dù hơi vất vả. Cứ nghĩ đến tiền nợ ngân hàng, tiền học của con, tiền sinh hoạt khiến tôi phải tiếp tục cố gắng. Hiện giờ xăng tăng hơn 30.000 đồng/lít, kéo theo giá cả cái gì cũng tăng, lương 5 - 6 triệu/tháng thực sự không đủ để chi tiêu" - chị Phương tâm sự.
Công ty Điện tử Mcnex Vina nơi chị Phương làm việc có tới 6.000 công nhân, chủ yếu là lao động trẻ. Doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử thuộc nhóm ngành được ưu tiên làm thêm 300 giờ mỗi năm kịch trần theo quy định của Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, không chỉ lãnh đạo Công ty mà hầu hết công nhân đều muốn tăng ca nhiều hơn để có được mức thu nhập cao đủ trang trải cho cuộc sống thời "bão giá".
Chị Bùi Thị Duyên, 30 tuổi, là công nhân tại Công ty TNHH DREAM PLASTIC, công ty sản xuất đồ chơi trẻ em, cụm KCN Khánh Thượng (huyện Yên Mô) đã gắn bó với công việc từ khi công ty mới đi vào hoạt động. Chị Duyên cho biết, tùy từng bộ phận công việc mà lương của công nhân cũng khác nhau. Khi mới vào làm, lương cơ bản của chị là 3.875.900 đồng, nay đã tăng lên là 4.061.000 đồng. Mặc dù mức lương đã được điều chỉnh nhưng với chị Duyên, nếu không tăng ca thì số tiền ấy không đủ trang trải chi phí sinh hoạt.
Vì vậy, chị rất muốn tăng ca. Mỗi ngày công nhân tại Công ty có thể tăng ca từ 2 - 4 giờ, chủ nhật làm thêm nhận 200% lương, tính ra thu nhập 1 ngày lương sau khi làm thêm giờ khoảng 220.000 - 280.000 đồng/ngày. Với chế độ lương tăng ca như vậy, dù tương đối mệt, có khi tan làm ra về là 8 giờ tối, có khi làm ca đêm, thậm chí làm cả chủ nhật, nhưng không chỉ chị Duyên mà rất nhiều chị em công nhân đều tình nguyện làm thêm giờ.
"Nếu không tăng ca mà cộng các chế độ phụ cấp như xăng xe, chuyên cần, con nhỏ, thâm niên thì lương cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, như vậy không đủ tiêu. Tích cực tăng ca thì thu nhập được khoảng 6 - 9 triệu đồng/tháng. Bây giờ đi chợ cái gì cũng tăng giá, phải làm thêm nhiều thì may ra mới đủ chi tiêu các khoản cần thiết trong cuộc sống..." Chị Duyên chia sẻ.
Chị Vũ Thị Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH CN&DV Bình Minh, KCN Phúc Sơn (thành phố Ninh Bình) cho biết: Công nhân trong Công ty làm theo ca, thường xuyên phải làm ca tối, ca đêm nên ít phải tăng ca. Do tính chất công việc tại đây tương đối vất vả, công nhân tăng ca nhiều sẽ không đủ điều kiện sức khỏe để làm việc lâu dài. Tuy nhiên, đa số công nhân đều hưởng ứng việc tăng ca, nhất là với những người đã có gia đình.
"Có thể hiểu, nếu không tăng ca, lương công nhân chỉ đạt khoảng 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Còn khi làm tăng ca, công nhân sẽ được nhận 150% lương, thu nhập sau khi tăng ca khoảng 9 - 12 triệu đồng/người/tháng hoặc có thể nhiều hơn tùy số giờ tăng ca. Với thu nhập đó, người lao động mới đủ khả năng chi trả cho mọi chi phí sinh hoạt trong thời điểm vật giá tăng nhanh như hiện nay."- chị Hồng chia sẻ.
Với mức đề xuất lương tối thiểu tăng bình quân 6% của Bộ Lao động, TBXH, mức lương sẽ tăng thêm 180.000 - 260.000 đồng/tháng cho mỗi vùng, dự kiến được thực hiện từ 1/7/2022. Trong khi đó, giá xăng đã tăng cao, đạt đỉnh trong vòng 7 năm qua. Giá 1 bình ga tăng 35%, các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, mắm, muối, mỳ, gạo..., tăng từ 20 - 40%.
Giữa tình hình giá cả tăng cao như hiện nay, chưa kể đến chi phí phát sinh, rủi ro bất ngờ như bệnh tật, tai nạn thì người lao động đang phải chật vật chi tiêu hằng ngày với đồng lương eo hẹp. Do đó, tăng ca chính là "phao cứu sinh" với họ. Công nhân không có lựa chọn nào khác để tăng thu nhập ngoài làm thêm giờ. Bởi từ lâu, lương tối thiểu đã không theo kịp mức sống của người lao động.
Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Mô cho biết: Trên địa bàn huyện hiện nay có tổng số 466 doanh nghiệp lớn, nhỏ đang hoạt động. Tùy vào tính chất công việc, quy mô doanh nghiệp, hiệu suất làm việc, khối lượng công việc mà doanh nghiệp tự điều chỉnh giờ làm việc tăng ca phù hợp cho công nhân. Tăng ca cũng tùy vào thời điểm, tùy doanh nghiệp, không phải người lao động muốn tăng ca là được.
Trong thời điểm "bão giá" như hiện nay, các cấp Công đoàn trong huyện đã tích cực thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về việc làm, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, phụ cấp độc hại, phụ cấp ăn trưa, tối, tăng ca để hỗ trợ người lao động.
Lan Anh