Sáng y đức, giỏi y thuật
Là một trong số những bác sỹ trẻ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh được bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng khoa vào năm 2019 vừa qua, nhưng bác sỹ Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Trưởng khoa Chấn thương lại luôn cho thấy sự chững chạc, điềm đạm của một người đã thực sự có nhiều trải nghiệm.
Rời ghế nhà trường năm 2010, bác sỹ Thanh được về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo diện thu hút nhân tài. Anh nhớ lại: "Năm đó về cùng đợt với tôi còn có một số bác sỹ khác nữa, nhưng riêng mình lại không phải người địa phương nên ngoài niềm vui còn là sự lo lắng, bỡ ngỡ".
Ngoài công tác chuyên môn, anh dành không ít thời gian để trò chuyện với bệnh nhân của mình và thấu hiểu từng hoàn cảnh, nhất là những trường hợp buộc phải chuyển lên tuyến trên để phẫu thuật với chi phí đắt đỏ vì khi đó trang thiết bị, trình độ ứng dụng kỹ thuật mới tại Bệnh viện tuyến tỉnh còn hạn chế. Điều đó thôi thúc anh triển khai đề tài về việc áp dụng phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối. Đây là một loại chấn thương thường gặp ở các vụ tai nạn giao thông, thậm chí trong sinh hoạt hàng ngày.
Bác sỹ Thanh chia sẻ: trước đây để điều trị chấn thương này, bệnh nhân thường phải điều trị bảo tồn hoặc chuyển tuyến để phẫu thuật với chi phí khoảng 30 triệu đồng. Đây là một số tiền không nhỏ với bệnh nhân ở các vùng nông thôn. Khi chúng tôi ứng dụng phẫu thuật nội soi ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì chi phí giảm rõ rệt, chỉ còn hơn 10 triệu đồng.
Được biết vào thời điểm năm 2015, khi bác sỹ Thanh tiếp cận và triển khai thành công kỹ thuật này thì cũng mới chỉ có các bệnh viện Trung ương và một số ít bệnh viện tuyến tỉnh làm được điều đó. Sau 5 năm triển khai, cùng với sự tạo điều kiện của Bệnh viện, Đề tài đã thực sự thành công, giúp nhiều bệnh nhân tiết kiệm chi phí, bớt đi vất vả và hơn cả là nhanh chóng được chữa khỏi bệnh.
Chúng tôi gặp anh sau một ca phẫu thuật lúc chiều muộn, vẻ mệt mỏi còn hiện rõ trên gương mặt nhưng niềm vui khi ca mổ thành công lại giúp bác sỹ Thanh khá cởi mở. Anh chia sẻ: Ban đêm chúng tôi thường có những ca phẫu thuật khẩn cấp, với nhiều ca bệnh xuất phát từ uống rượu, sử dụng chất kích thích nên công việc căng thẳng hơn rất nhiều. Có những ca mổ đơn giản diễn ra nhánh chóng nhưng cũng có những ca phức tạp diễn ra cả tiếng đồng hồ.
Người ta bảo ca đêm rất dài, nhưng với chúng tôi có những lúc quên đi cả khái niệm về thời gian. Ngay cả không trong ca trực thì chúng tôi cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Bởi đối với những ca bệnh nặng, cần hội chẩn hoặc đưa ra phương án nhanh thì dù không trong ca trực các bác sỹ chuyên khoa vẫn được triệu tập tới bệnh viện.
Làm tròn nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc người bệnh, nhưng khi nhắc tới gia đình, bác sỹ Thanh không khỏi chạnh lòng, xen lẫn một chút áy náy. Đó là những ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, anh thường không thể có mặt bên gia đình. Người thân của anh đã quen với những cuộc điện thoại lúc đêm khuya, với những bữa ăn vội vã, với sự vắng mặt thường xuyên… Và chúng tôi hiểu rằng chỉ có niềm say nghề, sự tận tâm, tận lực, hết lòng vì người bệnh mới làm cho anh và nhiều y, bác sỹ khác phải hy sinh nhiều đến thế.
Miệt mài trên hành trình sáng tạo
Kỹ sư Kiều Ngọc Minh trong giờ làm việc.
Dáng người nhỏ nhắn, giọng nói trầm ấm, luôn khiêm tốn, đặc biệt tuổi đời còn khá trẻ nên mới gặp, ít ai biết Kiều Ngọc Minh (sinh năm 1991) lại là chủ nhân của nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm cho Công ty Mcnex Vina hàng tỷ đồng. "Thời gian đầu khi mới được nhận vào Công ty tôi cũng bỡ ngỡ do các dây chuyền sản xuất tại đây sử dụng rất nhiều thiết bị, máy móc hiện đại. Nhưng chính khó khăn, bỡ ngỡ đó đã tạo động lực để tôi học hỏi, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giúp nâng cao năng suất lao động", Minh chia sẻ.
Khởi điểm là nhân viên Phòng Quản lý kỹ thuật, Minh dành nhiều thời gian nghiên cứu tính năng hoạt động của các loại máy móc. Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp để làm chủ thiết bị, đề xuất nhiều ý tưởng sáng tạo. Dù mới gắn bó với Công ty được 6 năm nhưng đến nay Minh đã có trong tay nhiều cải tiến kỹ thuật lớn, nhỏ.
Trong đó phải kể đến Cải tiến công đoạn di chuyển cho camera được triển khai từ năm 2016-2018 làm lợi hàng tỷ đồng cho Công ty. Với cải tiến này, Minh đã đưa 2 máy robot vào quá trình lắp ráp linh kiện thay thế cho khoảng 16 nhân công, đồng thời giúp sản phẩm có tính ổn định và chính xác cao hơn. Điều đáng nói 2 máy robot này được hình thành từ việc Minh tận dụng, cải tạo những máy móc sẵn có nên chi phí không đáng kể.
Trước khi được phép đưa vào ứng dụng, Minh đã phải dày công thử nghiệm, trình diễn, thuyết phục lãnh đạo Công ty khá nhiều lần bởi khi đó trong mắt họ Minh còn là một kỹ sư trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Và mỗi sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất thành công lại tạo thêm động lực để Minh bước tiếp trên hành trình sáng tạo.
Năm 2017 chàng kỹ sư trẻ tiếp tục đề xuất Cải tiến công đoạn độ phân giải cho camera. Cải tiến này thiên về việc "tăng tỷ lệ ok cho sản phẩm", tức là bằng việc lựa chọn kỹ lưỡng nguyên vật liệu, thay đổi phương pháp thao tác, nâng cao chất lượng nhân lực để đưa tỷ lệ sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất xưởng từ 80% lên khoảng 92%, tương đương với việc có thêm 2.000 sản phẩm mỗi ngày. Trong khi đó mỗi sản phẩm có giá 5 USD.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cho biết: đó là thành quả từ chuỗi ngày miệt mài lao động, học hỏi, sáng tạo của Minh và được Công ty đánh giá rất cao. Hiện Minh đã là Phó phòng VCM quản lý kỹ thuật và từng vinh dự đại diện cho người lao động toàn tỉnh gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ vào đầu năm 2019 tại Hà Nam.
Bài, ảnh: Đào Duy - Trường Giang