Bà Bùi Thị Mỹ, quê phường Ninh Sơn thành phố Ninh Bình, nay đã 72 tuổi là người từng đảm trách cương vị huấn luyện viên bóng chuyền nữ của Ty thể thao Ninh Bình bồi hồi nhớ lại: Năm 1964 bà Mỹ tốt nghiệp trung cấp TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh) về làm việc tại Ty thể thao Ninh Bình. Công việc của bà rất nhiều nhưng chuyên môn chính của bà là làm công tác huấn luyện cho bóng chuyền nữ.
Vào những năm tháng ấy điều kiện đất nước đang còn nghèo, tuy nhiên do hoạt động lao động sản xuất tập thể với rất nhiều hợp tác xã nên cũng có rất nhiều đội bóng chuyền cả nam lẫn nữ. Tỉnh Ninh Bình cũng có một đội tuyển nữ với 12 thành viên. Những tuyển thủ này là những gương mặt ưu tú nhất được tuyển chọn từ các giải cấp tỉnh và từ các giải phong trào tại nhiều xí nghiệp, cơ quan, đơn vị, hợp tác xã.
Theo bà Mỹ nhớ lại thời gian đó có nhiều đội tuyển có thành tích tốt, được nhiều người biết tới như: tuyển Nông Trường Đồng Giao, Viện Quân y5, Xã Ninh Vân, huyện Kim Sơn...Trong đó đội tuyển nữ Viện Quân y5 là đội tuyển mạnh nhất tỉnh thời điểm ấy với nhiều tuyển thủ giỏi: Nguyễn Thị Phương, Trần Thị Mý (chuyền II), Nguyễn Thị Tuất (chủ công), Đinh Thị Tho (chủ công)...
Những tuyển thủ của đội tuyển tỉnh phần lớn được chọn từ đội Viện Quân y5. Các tuyển thủ được chọn được ăn ở tập trung tại Ty thể thao Ninh Bình (lúc bấy giờ đóng tại Sân vận động tỉnh bây giờ).
Bà Mỹ cũng cho biết, vào thời điểm ấy bà tuy là huấn luyện viên, song chỉ ngang tuổi so với các tuyển thủ do vậy cả thày và trò ăn ở sinh hoạt như người một nhà, cả đội gắn bó và quý trọng nhau. Cái khó khăn nhất khi làm huấn luyện lúc ấy không phải là việc huấn luyện mà vì các lý do khác. Bởi vì các tuyển thủ khi được chọn đều rất có ý thức tập luyện và không hề đòi hỏi sự đãi ngộ.
Điểm khó khăn nhất là ngoài thời gian tập trung chuẩn bị giải, các nữ tuyển thủ phải trở về lao động tại cơ quan, đơn vị, hợp tác xã nơi mình ở. Vì vậy vị huấn luyện viên thường phải đạp xe đạp xuống tận cơ sở để xin thủ trưởng các đơn vị, hoặc chủ nhiệm hợp tác xã tính công điểm cho các tuyển thủ trong thời gian được tập trung tập luyện.
Theo quy định, chế độ của các tuyển thủ bấy giờ là 1 tháng 18kg gạo và 1 cân đường, 1 cân thịt. Mỗi năm 1 lần đội tuyển đều đi thi đấu giải toàn Miền Bắc.
Kỷ niệm khó quên nhất của bà Mỹ cùng các học trò của mình là vào năm 1969 được lên thi đấu giải toàn miền Bắc tại Nhà máy hóa chất Việt Trì (Phú Thọ). Cả đội mua vé đi tàu hỏa từ Ninh Bình lên Hà Nội, sau mới đi Phú Thọ. Tàu đang đi dến địa phận Hà Tây (cũ) thì có còi báo động, cả đội phải nhảy vội xuống những rãnh nước rìa đường, nằm bẹp tránh bom.
Sau thời gian báo động lại lên tàu đi tiếp. Khi lên tàu cả cô trò mặt mũi đều lấm lem trông rất buồn cười nhưng ai cũng háo hức muốn được đến Việt Trì thi đấu. Điều tiếc nhất là tại giải này tuyển nữ Ninh Bình đã để thua đối thủ khác với tỷ số súyt soát.
Vào những giây phút cuối dù vẫn còn quyền thay người nhưng do hết tuyển thủ nên huấn luyện viên Bùi Thị Mỹ buộc lòng phải vào thi đấu cùng các học trò.
Dù nỗ lực song đối thủ quá mạnh, tuyển nữ Ninh Bình thua trận, ngày hôm ấy cả đội ôm nhau khóc và còn bỏ cơm tập thể.
Năm 1991 bà Mỹ nghỉ hưu, câu chuyện xưa giờ cũng đã mấy mươi năm. Các nữ tuyển thủ giờ nhiều người đã "con đàn cháu đống". Cuộc sống có người khá giả, có người khó.
Tuy nhiên những lúc gặp lại nhau, mọi người ai cũng muốn ôn lại câu chuyện cũ, xem đó như kỷ niệm đẹp trong đời. Thi thoảng các nữ tuyển thủ Viện Quân y5 cũng tự tổ chức một "bữa cơm thân mật',các nữ tuyển thủ gặp nhau ôn lại chuyện cũ. Huấn luyện viên Bùi Thị Mỹ cũng đã được mời tham dự cùng các học trò.
Nhớ lại chuyện cũ trong ánh mắt vị huấn luyện viên già bao giờ cũng ánh ngời vẻ hạnh phúc. Hạnh phúc của lớp người, của một thời tuy gian khó nhưng họ đã yêu thể thao với tình yêu trong sáng, giản dị và vẹn nguyên đến không ngờ. Và thiết nghĩ tất cả mọi người trong câu chuyện cũ đều có quyền tự hào về những gì mình đã có.
Phương Nam