Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển.
Đồng chí Đỗ Ngọc Tân, Phó Phòng Tổng hợp-Xuất nhập khẩu (Sở Công thương) cho biết: Các hiệp định thương mại tự do (FTA) có nhiều chương, nhiều cấu phần: Thương mại hàng hóa, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Lao động, Môi trường, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại, Các biện pháp vệ sinh - kiểm dịch động, thực vật, Chính sách cạnh tranh, Cơ chế giải quyết tranh chấp…
Một trong những cấu phần quan trọng nhất của các FTA là phần lớn các dòng thuế hàng hóa về 0 ngay khi hiệp định có hiệu lực. Để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng này, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho từng FTA.
Chỉ khi đáp ứng quy định về xuất xứ, quy tắc cụ thể mặt hàng (ROO, PSR), thì hàng hóa mới được cấp một Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi và đó là "hộ chiếu" của hàng hóa xuất nhập khẩu - Căn cứ pháp lý quan trọng nhất để cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan FTA.
Đây cũng là động lực cốt lõi kích thích dòng vốn FDI vào Việt Nam đầu tư sản xuất hàng hóa để có C/O ưu đãi tại Việt Nam, từ đó xuất khẩu ra thế giới nói chung và những nước có FTA với Việt Nam nói riêng.
Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) chi tiết cho từng mã hàng, trong từng ngành hàng về cơ bản phức tạp và không dễ áp dụng nếu nhà sản xuất, xuất khẩu không có kiến thức về nó và không được hướng dẫn cụ thể để áp dụng đúng, chính xác quy tắc phù hợp cho sản phẩm của mình.
Chỉ khi áp dụng đúng, chính xác quy tắc xuất xứ ưu đãi, nhà sản xuất, xuất khẩu mới có được C/O ưu đãi để được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu tới các nước thành viên FTA.
Đồng chí Phó phòng Tổng hợp-Xuất nhập khẩu cũng cho rằng: TPP được đánh giá là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới tương đối toàn diện sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho thành viên tham gia hiệp định, thể hiện ở việc nắn dòng chảy FDI hướng về các quốc gia này, điều chỉnh chuỗi cung ứng giá trị khu vực trong phạm vi FTA này và hạn chế không cho các quốc gia ngoài TPP được hưởng lợi thông qua việc thiết kế bộ quy tắc xuất xứ.
Theo đó bắt buộc một số nhóm hàng trọng điểm phải sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ trong khối, nhằm nâng cao hàm lượng chế biến có xuất xứ từ các nước thành viên TPP trong thành phẩm hàng hóa để nâng cao giá trị gia tăng ở lại với quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng hóa đó.
Việc tuân thủ quy tắc xuất xứ TPP là yếu tố then chốt quyết định việc được hưởng ưu đãi thuế quan TPP. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, số lượng doanh nghiệp có kiến thức chuyên sâu về FTA và nắm vững quy tắc xuất xứ còn rất hạn chế.
Các doanh nghiệp chưa có hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ nên đã không tận dụng được ưu đãi xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan 0 - 5% mà các FTA mang lại.
Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã thực hiện về cơ bản tương đối linh hoạt và có phần lỏng hơn so với quy tắc xuất xứ trong TPP. Với các FTA cũ, tỷ lệ tận dụng còn thấp thì khi tham gia FTA mới (trong đó có TPP) sẽ còn phức tạp và khó khăn hơn.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Ninh Bình, nếu không đáp ứng bộ quy tắc xuất xứ này, thì việc hưởng thuế quan ưu đãi sẽ vô nghĩa.
Với các sản phẩm dệt may, hầu hết nguyên liệu đều nhập khẩu từ nước ngoài và thường chỉ thỏa mãn điều kiện công đoạn cắt may khâu thành sản phẩm diễn ra tại Ninh Bình và chuyển đổi mã số hàng hóa, để được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Chi-lê.
Các hiệp định thương mại ASEAN- úc và Niudilân (AANZFTA), ASEAN-ấn Độ (AIFTA) quy tắc xuất xứ khó hơn một chút, khi yêu cầu thành phẩm, ngoài công đoạn gia công cuối cùng diễn ra tại Việt Nam, phải chứng minh có ít nhất 35 - 40% trị giá của thành phẩm được tạo ra trong phạm vi của các nước tham gia FTA; điều đó cũng có nghĩa, một số lượng nhất định nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải có thể nhập khẩu từ ngoài khối và chỉ cần chứng minh có 35 - 40% hàm lượng thành phẩm được tạo ra trong khối, hàng hóa đã được hưởng thuế quan ưu đãi.
Với hiệp định ASEAN-Nhật (AJCEP), Việt Nam-Nhật (VJEPA) không chỉ cắt may khâu tạo ra thành phẩm mà nguyên liệu vải bắt buộc phải có xuất xứ từ các nước tham gia FTA; nói cách khác, Việt Nam không thể nhập khẩu vải từ Đài Loan hay Trung Quốc, Hàn Quốc để rồi sau đó xuất khẩu hàng may mặc sang Nhật Bản mà được hưởng ưu đãi thuế quan. Với hiệp định TPP thì từ sợi tạo ra vải thô, vải thành phẩm và sau đó là hàng may mặc hoàn thiện... tất cả đều phải được sản xuất trong phạm vi khu vực các nước tham gia TPP.
Đây là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm: Xi măng, bột đá vôi và một số sản phẩm công nghiệp chế biến từ khoáng sản phục vụ xây dựng... Quy tắc xuất xứ của TPP lỏng hơn so các hiệp định khác mà Việt Nam là thành viên, khi cho phép nguyên liệu có thể nhập khẩu từ bất kỳ đâu (trong hay ngoài TPP), đều được chấp nhận.
Với nhóm hàng: Máy móc, điện thoại, linh kiện điện tử..., Quy tắc xuất xứ TPP hầu hết là ngang hoặc có phần lỏng hơn (với một số mã hàng hóa nhất định) so với các hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đang thực hiện; qua đó cho thấy tiềm năng và dung lượng xuất khẩu các nhóm hàng này sang các thị trường các nước thành viên TPP là rất lớn.
Đối với nhóm hàng về thủ công mỹ nghệ như: Cói, mây tre đan và mặt hàng về gạo, rau quả chế biến..., các sản phẩm này có lợi thế là được sản xuất, nuôi trồng hoàn toàn trong nước nên dễ dàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo tiêu chí xuất xứ thuần túy. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng gạo, rau quả chế biến sẽ phải chịu một số ngoại lệ về rào cản kỹ thuật trong thương mại.
Như vậy, cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về hội nhập và các FTA thế hệ mới.
Đồng thời sẽ tổ chức các hoạt động chuyên sâu nhằm giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm vững mã hàng hóa, đáp ứng quy tắc xuất xứ và lựa chọn quy tắc xuất xứ phù hợp; lựa chọn chuỗi cung ứng sản xuất trong khu vực, chủ động được nguồn cung nguyên liệu tận dụng thuế quan ưu đãi TPP.
Đinh Chúc