Ba lần Chủ tịch nước Trần Đại Quang về thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan thì cả ba lần vợ chồng bà Trần Thị Tấm và ông Đinh Công Truật đều vinh dự được Chủ tịch trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi và động viên. Bà Tấm xúc động, lần đầu tiên gặp bác Trần Đại Quang khi bác ấy đang là Thứ trưởng Bộ Công an.
Khi đó, tôi đã kể cho bác nghe về câu chuyện tình của vợ chồng tôi. Tôi công tác ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan (khi ấy là Trại thương binh C) với nhiệm vụ chính là hộ lý, vừa chăm sóc vừa nấu ăn cho các anh thương, bệnh binh đang điều trị tại Trại. Trong những năm tháng làm nhiệm vụ, tôi trò chuyện nhiều và bắt đầu cảm thương, mến mộ nghị lực của anh thương binh Đinh Công Truật.Mối tình ấy được sự động viên, vun đắp của tập thể lãnh đạo, nhân viên của Trại thương binh nên đã đơm hoa, kết trái bằng một đám cưới có sự chúc phúc của đồng chí, đồng đội…
Xúc động vì câu chuyện của chúng tôi nên lần nào có dịp gặp bác Quang, bác ấy đều khen chúng tôi có một mối tình tuyệt đẹp, bác bảo đó không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là cái nghĩa, cái tình của một cô gái tuổi đôi mươi đối với một anh thương binh mới từ chiến trường trở về. Vì vậy, anh chị (cách gọi thân mật của Chủ tịch đối với vợ chồng bà Tấm) cố gắng vượt qua mọi khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan. Lời nhắn nhủ ấy của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, bà Tấm mãi khắc ghi trong lòng.
Những năm qua, sức khỏe của thương binh Đinh Công Truật yếu đi nhiều, vết thương cũ hành hạ khiến ông phải nằm liệt giường. Không quản nhọc nhằn, người vợ hiền tần tảo vẫn chăm sóc chu đáo cho chồng và chăm lo cho các con. "Tôi có thêm sức mạnh để vượt qua mọi gian khó của cuộc sống phần nhiều là nhờ những lời động viên, khích lệ của Chủ tịch nước. Khi nghe tin bác Quang từ trần, ông nhà tôi khóc suốt. Ông ấy bảo, không thể ngờ được rằng lần gặp gỡ bác Quang vào dịp Tết Nguyên đán năm 2017 lại là lần cuối cùng được nhìn thấy bác"- bà Trần Thị Tấm xúc động nói.
Đối với bệnh binh Đặng Văn Vĩnh, nguyên là chiến sỹ công an đã sống ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan tròn 8 năm. Vì vậy, lần nào Chủ tịch nước về thăm, ông Vĩnh đều được gặp cả. Ông Vĩnh bảo, do công việc bận rộn nên thời gian mà Chủ tịch nước lưu lại Trung tâm không nhiều, song lần nào bác Quang cũng dành phần lớn thời gian để trò chuyện với các thương, bệnh binh. Ban đầu thì chúng tôi còn e dè, nhưng khi trực tiếp gặp gỡ bác Quang thì chính sự ân cần, ấm áp, gần gũi của bác đã xóa tan khoảng cách giữa người dân và một nguyên thủ Quốc gia.
Từng là chiến sỹ rồi thành thống lĩnh trong ngành công an nên ở những lần gặp gỡ, Chủ tịch vui vẻ gọi chúng tôi là đồng chí. Trước khi rời Trung tâm để trở về Hà Nội, Chủ tịch nước đều đến tận nơi, bắt tay từng thương, bệnh binh và nói lời tạm biệt. Từ sâu thẳm tâm hồn, mỗi dịp lễ, Tết hay kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sỹ chúng tôi đều mong chờ được đón bác về thăm như chờ đợi một người thân trong gia đình. Nhưng bây giờ thì điều đó đã không thể thực hiện được nữa, bác Quang đã ra đi mãi mãi rồi…!
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan chia sẻ về kỷ niệm những lần được gặp Chủ tịch nước: Đã 3 lần Trung tâm vinh dự được đón Chủ tịch nước về thăm. Trong đó, lần đầu tiên là năm 2011, khi ấy, Chủ tịch nước đang là Bộ trưởng Bộ Công an. Còn nhớ, khi đó đã là lúc chiều muộn, chúng tôi bất ngờ nhận được tin sẽ có Bộ trưởng Trần Đại Quang tới thăm. Khi chúng tôi còn đang vội vàng để chuẩn bị đón khách thì bác Quang đã tới nơi. Bác Quang bảo, không cần phải câu nệ hình thức. Bác tới thăm Trung tâm chỉ như một chuyến ghé thăm nhà thôi.
Sự giản dị, gần gũi của bác Quang gây xúc động mạnh tới đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm. Sau này tôi mới biết, bác tới thăm Trung tâm ngay sau buổi tiếp xúc cử tri ở xã Đồng Phong. Kể từ đó, khi nào có dịp là bác Quang lại ghé vào thăm các thương, bệnh binh của Trung tâm như vậy mà không bao giờ báo trước. Hiểu nỗi vất vả của các cán bộ, nhân viên của Trung tâm trong việc chăm sóc, điều trị cho các thương, bệnh binh nên lần nào bác cũng dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ với chúng tôi. Bác luôn nhấn mạnh rằng, chăm sóc thương, bệnh binh vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, vừa là thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc.
Vì vậy, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức và nhân dân cả nước đều đã có nhiều việc làm thiết thực, thể hiện đạo lý, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc thương, bệnh binh, quan tâm chế độ, chính sách đối với gia đình liệt sỹ, người có công với nước. Những việc làm này đã tô đậm thêm truyền thống tốt đẹp, nhân văn của dân tộc Việt Nam. Đối với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan lần nào về thăm bác cũng nhận thấy được sự tươi vui, khỏe mạnh của các thương, bệnh binh, điều đó có nghĩa là các cán bộ, nhân viên ở đây đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trước khi lên xe để trở về Hà Nội, câu cuối cùng bao giờ bác cũng căn dặn chúng tôi rằng: cố gắng nhé, cố gắng nhé!
Trời ngả về chiều, như thường lệ, các bác thương, bệnh binh có sức khỏe tốt lại cầm chiếc ô-doa quen thuộc để đi tưới cây trong khuôn viên của Trung tâm. "Đây rồi, đây là cây Bồ đề tỏa bóng mát mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang trồng trong một lần về thăm Trung tâm năm 2014, khi đó Đại tướng đang là Bộ trưởng Bộ Công an"- thương binh Phạm Quang Ninh nói với chúng tôi. Vậy là người nhổ cỏ, người tưới cây, người ngồi nghĩ ngợi xa xăm… chẳng ai nói câu gì, tất cả đều chìm đắm trong một niềm xúc động lớn lao.
Đào Hằng