Phóng viên (P.V): Người ta thường nói Triết học là một môn khô và khó. Vậy tại sao anh lại chọn môn học này để gắn bó với sự nghiệp giảng dạy của mình?
Thạc sỹ Lê Văn Thơ (Ths. L.V.T): Khi mới tiếp cận với môn học này tôi cảm thấy khó, nhưng càng học càng thấy say mê, vì tôi tìm được ở trong đó những quy luật biện chứng có thể áp dụng vào đời sống xã hội, một lối tư duy lôgic, khoa học nhưng không kém phần sáng tạo. Chính vì thế tôi đã chọn môn triết học Mác - Lênin để theo học và giảng dạy. Khi học tập và giảng dạy môn học này tôi còn có những hiểu biết sâu sắc hơn về lãnh tụ thiên tài Lênin, về nước Nga, về cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại. Tôi quan niệm rằng khi đã tâm huyết với một môn học nào thì sẽ có hứng thú khi nghiên cứu và học tập cũng như giảng dạy về môn học đó và tôi mong muốn truyền đạt một phần tâm huyết của mình tới các em sinh viên thông qua các bài giảng để các em có thể hiểu đúng, sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
P.V: Có một hiện tượng là các em sinh viên thường không thích học với môn Triết học và coi đây là một môn học bắt buộc chứ không có hứng thú. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
Ths. L.V.T: Tại Trường Đại học Hoa Lư nơi tôi giảng dạy cũng tồn tại thực trạng này, nhưng không phải ở tất cả các sinh viên. Đa số các sinh viên đều xác định được đây là môn học cơ bản, nền tảng, trang bị thế giới quan và phương pháp luận để nghiên cứu các chuyên ngành cụ thể. Chính vì thế chỉ có một bộ phận thờ ơ, còn hầu hết các em đều có thái độ nghiêm túc khi nghiên cứu môn học này. Môn học có thu hút, tạo sự hứng khởi cho sinh viên hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự truyền đạt của giảng viên, bởi khi nói đến các nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin là nói những vấn đề về quy luật phạm trù nên không tránh khỏi khô cứng. Vấn đề là giảng viên đó phải tìm cách để các em sinh viên có thể tiếp cận môn học một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, không quá trìu tượng.
P.V: Đã gắn bó với bộ môn này suốt 10 năm từ khi ra trường đến nay, bản thân anh đã có phương pháp gì để truyền nhiệt huyết của mình với môn học tới các sinh viên.
Ths. L.V.T: Tôi xác định Triết học và Tư tưởng Hồ Chí Minh là hai môn học quan trọng mà bất cứ sinh viên nào cũng phải nghiên cứu để hiểu sâu, hiểu kỹ chứ không phải học mang tính chống đối. Để các em sinh viên có thể tiếp thu một cách dễ dàng hơn nội dung các môn học tôi thường gắn lý luận với thực tiễn, đưa ra các ví dụ cụ thể dễ hiểu để chứng minh cho các nguyên lý, quy luật; đồng thời thường xuyên nghiên cứu các nghị quyết, văn bản của Đảng, những câu chuyện về cuộc đời của Lênin, của Hồ Chí Minh để kể cho sinh viên nghe trong các giờ dạy. Chính từ những câu chuyện đó mà tôi thấy sinh viên có sự cảm phục đối với Lênin, Hồ Chí Minh và đến với môn học một cách tự nguyện. Bên cạnh đó tôi cũng cố gắng áp dụng tối đa khoa học công nghệ thông tin để các sinh viên có được những ví dụ sinh động, tạo nguồn cảm hứng khi tiếp thu bài giảng. Đối thoại giữa thầy với trò trong tiết học là một biện pháp cần thiết để các em học sinh hiểu bài, có cơ hội bày tỏ những ý kiến, thắc mắc của mình. Hơn một năm trở lại đây, khi Đảng ta phát động cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các môn học về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đến với các sinh viên bằng những ví dụ cụ thể gần gũi.
P.V: Là giảng viên bộ môn Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, anh nhận định như thế nào về tầm quan trọng, tác dụng của cuộc vận động này đến sự tiếp nhận bài giảng của sinh viên?
Ths. L.V.T: Như tôi đã nói, cuộc vận động có tác dụng tích cực đến cả đội ngũ giảng viên và sinh viên. Đã có nhiều hành động, việc làm thiết thực của giảng viên, sinh viên Đại học Hoa Lư hưởng ứng cuộc vận động này như tổ chức chiếu phim tư liệu về cuộc đời Hồ Chí Minh, tổ chức Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tổ chức 2 hội thảo "Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh"… Tất cả những việc làm thiết thực này đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng thiết thực, phát huy vai trò của sinh viên trong việc tiếp cận các môn học về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bản thân tôi cũng đã giúp đỡ, sưu tầm tài liệu cho em Nguyễn Thị Loan (sinh viên khoa Mầm non) tham gia hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của trường đạt kết quả cao và được chọn dự thi hội thi cấp tỉnh. Tôi thấy cuộc vận động với nhiều việc làm, phong trào ý nghĩa, thiết thực đã góp phần tích cực giúp các em sinh viên có thêm tâm huyết với những môn lý luận chính trị này.
P.V: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Quỳnh Thu (Thực hiện)