Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 đã tạo tiền đề để thị xã Tam Điệp triển khai xây dựng nông thôn mới theo chương trình mục tiêu Quốc gia của Chính phủ.
Tại xã Yên Bình - xã mới đây được Thị xã chọn làm điểm để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đã có nhiều cố gắng giúp đỡ giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách làm ăn cho người dân nên toàn xã chỉ còn 28 hộ nghèo (chiếm 14%). Xã đã đưa vào sử dụng 1 trạm y tế khang trang với số vốn đầu tư 2,4 tỷ đồng. Trường Tiểu học được nâng cấp đã được công nhận chuẩn Quốc gia. Toàn bộ hệ thống lưới điện được cải tạo, 100% người dân sử dụng lưới điện quốc gia.
Với xã Quang Sơn, với nhiều nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã, đến nay 100% số thôn đã có nhà văn hóa, có 2 điểm bưu điện văn hóa phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin, giải trí, văn hóa của người dân. Các trường học được tu sửa nâng cấp, chất lượng học tập ngày càng nâng cao. Trong nông nghiệp, xã đã đẩy mạnh việc chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất chè thu lá an toàn, các mô hình nuôi nhím, đà điểu, trồng ổi Đài Loan bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể.
Qua khảo sát trong 4 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới có 2 xã Yên Bình và Quang Sơn đã đạt 17/19 chỉ tiêu trong bộ tiêu chí, còn lại 2 xã Đông Sơn và Yên Sơn mới đạt 12/19 chỉ tiêu. Cụ thể: 100% số hộ trong các xã đã được sử dụng điện từ mạng lưới điện quốc gia. Trong tổng số 106,43 km đường giao thông nông thôn đã có 85,5 km được cứng hóa, tạo điều kiện cho nông dân đi lại thuận tiện (đạt 80,3%). Hiện tại có 13,78 km đê đảm bảo chống lũ theo thiết kế +3, trong đó có 8,78 km được nhựa hóa, 3,1 km đang được nâng cấp. Tổng chiều dài kênh mương được kiên cố hóa là 18,9/35,6 km, đạt 53,01%. Năm 2010 thị xã đã đầu tư xây dựng 6 giếng khoan để phục vụ nước tưới cho vùng đồi của xã Đông Sơn. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt 85,5%. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm xuống chỉ còn 10,2%
Bên cạnh những kết quả bước đầu, việc xây dựng nông thôn mới ở thị xã Tam Điệp vẫn còn nhiều khó khăn. Đồng chí Nguyễn Hoàng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã, người trực tiếp nhiều năm lăn lộn với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tâm sự: Khó khăn đầu tiên là vấn đề kinh phí, kinh phí đầu tư cho lập quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông dân còn hạn chế. Vốn đầu tư huy động cho chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường không đáp ứng đủ nhu cầu. Chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được Thị ủy và UBND thị xã quan tâm nhưng vẫn còn thấp. Sự phát triển của ngành nông nghiệp chưa toàn diện, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao. Về cơ sở hạ tầng thì vẫn chưa có quy hoạch đồng bộ. Trong khi đó nhận thức của người nông dân bị hạn chế, có tư tưởng chông chờ, ý thức xây dựng, bảo vệ tài sản công chưa cao.
Trong thời gian tới, thị xã Tam Điệp tiếp tục có những giải pháp tích cực phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn đồi gắn với công nghiệp chế biến xuất khẩu. Tiếp tục mở rộng phát triển cây vụ đông. Quan tâm công tác đào tạo nghề, tạo việc làm mới mỗi năm cho 4 xã từ 1.100 lao động trở lên. Mục tiêu đến năm 2015 có 1 xã đạt tiêu chí của Chính Phủ về nông thôn mới và 3 xã đạt tiêu chí của tỉnh về nông thôn mới.
Nguyễn Lựu