Tam Điệp là vựa dứa lớn cũng như lâu đời nhất miền Bắc với diện tích hàng nghìn ha. Những ngày này, nông dân ở đây đang khẩn trương thu hoạch dứa chính vụ, không khí vô cùng nhộn nhịp, ngày cũng như đêm, nhân công, xe mua bán tấp nập ra vào.
Tam Điệp nhộn nhịp mùa thu hoạch dứa
Trên cánh đồng thôn Khe Gồi (xã Quang Sơn), gia đình anh Dương Văn Mừng đang huy động tối đa nhân lực của gia đình, đồng thời thuê thêm lao động trong vùng khẩn trương thu hoạch hơn 2 ha dứa. Anh cho biết: Năm nay thời tiết bất thuận nên năng suất dứa thấp hơn so với mọi năm. Hơn nữa, việc xử lý để rải vụ dứa không thành công nên dứa chín đồng loạt, thị trường bão hòa, giá ngoài thị trường giảm. May mắn là có Công ty CPTPXK Đồng Giao bao tiêu sản phẩm nên gia đình cũng không quá lo lắng về đầu ra.
Trung bình mỗi ngày anh Quách Công Phương hái thuê được 2-3 tấn dứa.
Chính vụ dứa năm nay gia đình ông Nguyễn Văn Quý (thôn Hang Nước, xã Quang Sơn) cũng có gần 1 ha dứa được thu hoạch, ước tính sản lượng khoảng hơn 30 tấn. Thời tiết nắng nóng, dứa chín rất nhanh nên ông Quý phải thuê hẳn một đội thu hoạch chuyên nghiệp khoảng 15-20 người để hái và bốc vác dứa lên xe.
Anh Dương Văn Mừng đang chạy đua với thời gian để thu hoạch các diện tích dứa đã chín.
Anh Quách Công Phương người quê Thạch Lỗi, Thạch Thành, Thanh Hóa 2 tháng nay ra Tam Điệp để thu hoạch dứa thuê. Anh chia sẻ: Khi có lái buôn liên hệ, chúng tôi sẽ đi theo xe ô tô để đến các đồi dứa làm công việc thu hoạch và vận chuyển với tiền công là 600 nghìn đồng/tấn. Công việc tuy nặng nhọc nhưng trung bình mỗi ngày, mỗi lao động thu dứa như anh bỏ túi từ 700 nghìn đến hơn 1 triệu đồng tùy sức khỏe và lượng dứa thu hái, cao hơn nhiều so với các công việc thông thường khác.
Người lao động phải cõng trên vai những sọt dứa nặng từ 60-90 kg.
Cây dứa được đưa về trồng ở nông trường Đồng Giao nay là Công ty CPTPXK Đồng Giao (thành phố Tam Điệp) từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước với 2 giống chính là Cayen và Queen. Nhờ điều kiện tự nhiên độc đáo, địa hình bán sơn địa, thành phần đất có hàm lượng sét cao, biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn, lượng bức xạ cao và những kinh nghiệm, bí quyết canh tác riêng có của người dân nên dứa ở đây rất ngon, vị ngọt đậm, không xơ.
Thành quả sau 18 tháng trồng, chăm sóc vất vả, cực nhọc của người nông dân.
Bà con giải khát ngay trên đồng bằng những miếng dứa thơm ngon.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, đến nay cây dứa vẫn phát triển mạnh, trở thành biểu tượng và là cây trồng chính cho thu nhập cao của người dân Tam Điệp. Nơi đây có trên 1.500 hộ chuyên trồng dứa với tổng diện tích khoảng 3.500 nghìn ha, sản lượng mỗi năm từ 50.000- 60.000 tấn. Hiện, dứa Đồng Giao (thành phố Tam Điệp) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý và lọt vào danh sách 50 thứ quả đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.
Những đồi dứa trập trùng xanh ngút tầm mắt ở Tam Điệp.