5 năm trở lại đây, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố Tam Điệp từng bước được hoàn thiện. Công tác quy hoạch và phát triển đô thị đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các nguồn đầu tư khác của xã hội được thu hút, tham gia đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, của thành phố. Thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp đô thị. Các công trình như: Khu trung tâm thể thao thành phố, hệ thống đèn chiếu sáng, 8 tuyến phố văn minh, cổng chào điện tử, nâng cấp, cải tạo vỉa hè, thảm nhựa các tuyến phố chính… đã và đang được đầu tư xây dựng. Tháng 7-2012, thị xã Tam Điệp được công nhận là đô thị loại III, sớm hơn 3 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VIII đề ra. Đến tháng 4-2015, Tam Điệp trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Đây là dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của thành phố, là nền móng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục đưa thành phố sớm trở thành đô thị loại II. Trong đó, quy hoạch đô thị đóng vai trò định hướng để xây dựng và phát triển đô thị. Năm 2016, UBND thành phố đã xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thành phố Tam Điệp và được UBND tỉnh phê duyệt. Hiện tại, các dự án đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt đang triển khai theo đúng tiến độ, dần hình thành trung tâm đô thị mới, dịch vụ thương mại, các công trình tạo điểm nhấn như: đảo giao thông, dải phân cách…
Cùng với những chuyển biến trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đô thị, trong định hướng phát triển thành phố hướng tới thành phố công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã xác định, thành phố Tam Điệp đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Với tiềm năng về nguyên liệu núi đá vôi, đất sét, cùng những ưu đãi của thiên nhiên về đồi rừng, Tam Điệp đã xác định sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến rau quả xuất khẩu là ngành công nghiệp chủ lực. Cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp về việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư, chuẩn bị chu đáo về mặt bằng, thực hiện các ưu đãi về thời gian thuê đất, tiếp cận nguồn vốn, thủ tục hành chính thông thoáng..., thành phố đã quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, chú trọng công tác đào tạo nghề cho người lao động, phối hợp thu hút các nguồn vốn đầu tư và các nguồn tín dụng ưu đãi...
Từ những định hướng và chính sách phù hợp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố có bước tăng trưởng mạnh với việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ, khẳng định vị trí và vai trò của trung tâm sản xuất công nghiệp của tỉnh. Hiện thành phố có 399 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp, hàng năm thu hút và giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động với thu nhập ổn định. Đến nay, nhiều dự án được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả, đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và vùng lân cận, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của thành phố và của tỉnh. Các sản phẩm chủ lực là: xi măng, thép, rau quả sạch, may mặc, nguyên phụ liệu ngành may mặc, giày da, trang thiết bị y tế… đã và đang có mặt ở thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt 10,3%. Năm 2016, sản xuất công nghiệp tiếp tục có bước phát triển, giá trị đạt 7.190 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2015…
Cùng với sự phát triển chủ lực của ngành công nghiệp, các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại trên địa bàn thành phố cũng có nhiều điều kiện phát triển. Hiện thành phố đang triển khai xây dựng thương hiệu đào phai Tam Điệp và chè xanh Ba Trại nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu cho sản phẩm nông sản truyền thống, đồng thời gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Một số ngành dịch vụ quan trọng như: vận tải, thông tin liên lạc, ngân hàng… ngày càng phát triển. Doanh thu vận tải hàng hóa năm 2016 đạt 277.437 triệu đồng, tăng 5,5%. Xuất khẩu địa phương tăng mạnh với kết quả năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 182.316 nghìn USD, tăng 3,1% so với năm 2015. Đến nay trên địa bàn thành phố có trên 5.000 tổ chức kinh tế và hộ kinh doanh cá thể. Lĩnh vực du lịch với thế mạnh là du lịch tâm linh và du lịch sinh thái đã và đang từng bước thu hút du khách, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương…
Trong tương lai không xa, khi thành phố Tam Điệp trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh theo tinh thần Nghị quyết của BCH Đảng bộ thành phố về "Xây dựng thành phố Tam Điệp sớm trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh", ngành công nghiệp chắc chắn sẽ đóng góp không nhỏ trong tiến trình xây dựng đô thị, hướng tới mục tiêu xây dựng Tam Điệp trở thành thành phố công nghiệp của tỉnh.
Phan Hiếu