Tam Điệp là vùng đất giàu tiềm năng, có lợi thế về nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, lao động dồi dào..., tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến rau quả xuất khẩu. Do đó, Tam Điệp đã xác định lấy công nghiệp làm khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, xây dựng thị xã Tam Điệp trở thành thị xã công nghiệp. Thực hiện chủ trương đó, trong những năm qua, thị xã đã phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh làm tốt công tác quy hoạch nói chung, đặc biệt là quy hoạch khu công nghiệp. Được UBND tỉnh chấp thuận, Khu công nghiệp Tam Điệp giai đoạn I được mở rộng quy hoạch thêm 360 ha, Khu công nghiệp Tam Điệp giai đoạn II diện tích 115 ha đang được triển khai san lấp mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, thị xã đã tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất, thủ tục hành chính thông thoáng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư. Hàng năm, thị xã đã tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp nhân dịp đầu xuân nhằm kịp thời biểu dương, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn khắc phục khó khăn, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường bình đẳng.
Với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thuận lợi, trong những năm qua, thị xã đã chấp thuận đầu tư đối với 84 dự án trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch và các dự án xây dựng khu đô thị mới. Ngoài các sản phẩm chủ lực là sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến rau quả xuất khẩu, nhiều dự án đã và đang đi vào sản xuất với nhiều sản phẩm phong phú, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như: Thép, giày da, may mặc... Hiện nay, trên địa bàn thị xã có gần 200 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp. Hàng năm, các cơ sở sản xuất công nghiệp thu hút và giải quyết việc làm cho trên 3.200 lao động với thu nhập ổn định. Sau 30 năm nhìn lại, sản xuất công nghiệp của Tam Điệp có sự phát triển vượt bậc, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã năm 2012 đạt 3.690 tỷ đồng, tăng gấp 70 lần so với năm 1992; tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực công nghiệp - xây dựng cơ bản từ năm 1992-2011 đạt trên 23%, chiếm 30% giá trị sản xuất công nghiệp cả tỉnh. Sản xuất công nghiệp phát triển đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng lĩnh vực nông nghiệp. Nếu như ở thời điểm tái lập tỉnh, sản xuất nông nghiệp của thị xã vẫn là ngành sản xuất chính thì đến nay nông nghiệp chỉ còn chiếm tỷ trọng 3,45%, dịch vụ 26,4% và công nghiệp - xây dựng cơ bản đạt 70,51%.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sản xuất công nghiệp của thị xã vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Sản phẩm xuất khẩu chiếm tỷ trọng chưa cao; công tác quy hoạch và quản lý công nghiệp có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn hiện nay; công tác quản lý, khai thác tài nguyên ở một số xã, phường còn hạn chế; việc đảm bảo vệ sinh môi trường ở một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chưa được coi trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Trong thời gian tới, thị xã Tam Điệp xác định công nghiệp vẫn là ngành sản xuất chủ lực và tiếp tục được mở rộng. Thị xã phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 8.790 tỷ đồng, đưa tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 70% trong cơ cấu kinh tế của thị xã. Để đạt được mục tiêu trên, thị xã tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu xây dựng quy hoạch, đưa sản xuất công nghiệp vào khu tập trung. Quy hoạch công nghiệp gắn với việc quy hoạch xây dựng đô thị gắn với phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phối hợp với các chủ đầu tư triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Tam Điệp mở rộng. Khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp của thị xã, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà máy tiếp tục phát triển sản xuất. Tăng cường công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với việc bảo vệ môi trường, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, bảo vệ quốc phòng - an ninh, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan du lịch của thị xã. Bên cạnh đó, thị xã khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát huy hiệu quả sản xuất của những ngành nghề đã được khẳng định trên thị trường như hàng cói xuất khẩu, đồ mộc mỹ nghệ, cơ khí... Chú trọng phát triển những ngành nghề gia công, chế biến phục vụ công nghiệp và sản xuất hàng mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu, du lịch.
Với những thành tựu đã đạt được, sản xuất công nghiệp đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra diện mạo mới, sức bật mới để xây dựng thị xã Tam Điệp xứng tầm với một đô thị công nghiệp của tỉnh.
Hồng Giang