Nằm trên trục lộ giao thông xuyên Việt nối liền vùng cực Nam đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh địa đầu phía Bắc miền Trung, tạo nên sự chuyển tiếp rõ rệt mang tính tiểu vùng khí hậu, nhiệt độ giữa các mùa thường chênh lệch trên dưới 2oC. Diện tích đồi núi chiếm từ 65 đến 70%. Ở đây, giữa điệp trùng núi non đã hình thành các vùng trũng, thung lũng và các hang động.
Do tính chất địa lý và quá trình hình thành khu hành chính Tam Điệp, đã thành nơi giao lưu văn hóa giữa các miền, nơi hộ tụ dân cư của hàng trăm huyện thị, 40 tỉnh thành trong cả nước.
Tính đa dạng đó đã tạo nên những thuận lợi căn bản trong việc trao đổi, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm về văn hóa, khoa học kỹ thuật, về quản lý để huy động sức mạnh tổng hợp của yếu tố con người vào phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Tam Điệp sớm trở thành một đô thị giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Địa danh Tam Điệp đã sớm đi vào lịch sử dân tộc, theo "Đại Nam Nhất Thống Chí" thì đây là "cổ họng" Bắc Nam, núi có 3 ngọn nên gọi là Tam Điệp..." Theo một tài liệu khảo cổ học gần đây cho biết, cuộc sống của con người Tam Điệp đã có cách đây 3 vạn năm. Từ xưa, đây là vùng có thiên nhiên tươi đẹp, có núi non, hang động kỳ thú.
Và cùng với thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, mỗi địa danh ở đây đều gắn với những di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng... Trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, một cánh quân của Lão tướng Đô Dương đã lợi dụng vị trí hiểm yếu nơi đây để cản bước tiến quân của Mã Viện.
Trước thế kỷ X, Ngô Quyền và Dương Đình Nghệ đã lấy Tam Điệp làm căn cứ để xây dựng và bảo tồn lực lượng, từ đó tiến ra Bắc đánh tan quân xâm lược Nam Hán, lập nên chiến công ở Đại La năm 930 và Bạch Đằng năm 938.
Vào thời kỳ chống chiến tranh xâm lược Nguyên Mông, Tam Điệp đã trở thành một lá chắn khổng lồ bảo vệ cho vùng hậu phương rộng lớn là Châu Ái, Châu Diễn, là chỗ dựa vững chắc cho Thiên Trường - Trường Yên, góp phần giúp nhà Trần 3 lần đánh tan quân xâm lược.
Tam Điệp còn là nơi được Lê Lợi chọn làm căn cứ để rèn giáo luyện quân trong khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược nhà Minh. Lịch sử dân tộc chưa quên "Nước cờ Tam Điệp" lừng danh của Ngô Thì Nhậm, đã góp phần quyết định làm nên chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa của Quang Trung-Nguyễn Huệ tiêu diệt toàn bộ cánh quân xâm lược Mãn Thanh, giành độc lập cho nước nhà.
Khi Đảng ra đời vào năm 1930, từ ảnh hưởng của phong trào cách mạng ở Quỳnh Lưu, của công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, phong trào đấu tranh của bà con nông dân ở Đồng Giao- Tam Điệp đã nổi lên khá mạnh mẽ, làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Trong suốt 30 năm của trường chinh đánh Pháp rồi đánh Mỹ, Tam Điệp luôn là địa bàn chiến lược, tạo thế trận vững chắc để chúng ta tiến công kẻ thù xâm lược và lập nên những chiến công vang dội mãi còn lưu giữ với thời gian.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây còn là nơi tập kết, chuẩn bị cho những đợt chuyển quân vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam của một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Quân khu III, Quân đoàn I... Những lời thề đầy hào khí trước giờ vào trận, mãi còn âm vang với núi rừng Tam Điệp.
Ngày nay trên con đường xây dựng, đổi mới đất nước, Tam Điệp đang lập nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.
Điều kiện tự nhiên về đồi núi, đất đai là tiềm năng và thế mạnh của Tam Điệp trong phát triển kinh tế xã hội. Với 11.000 ha đất tự nhiên, trong đó đồi núi, hang động, thung trũng chiếm trên 7000ha, còn lại gần 4000 ha là đất nông nghiệp có độ phì khá tốt, trên 1000ha trồng lúa còn lại rất phù hợp với việc phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp như chè, đậu, lạc, dứa, đu đủ, na giai...
Ngoài ra, Tam Điệp còn có trên 1000 ha núi đá cỏ cây thuận lợi cho việc khoanh nuôi, phát triển rừng. Với diện tích núi đá hiện có, đã có một trữ lượng đá vôi khoảng 700 triệu tấn và 1 triệu tấn đô lô mít. Tại các vùng đồi núi thấp như thung lũng Đồng Giao, Yên Bình còn có những mỏ đất sét với trữ lượng khá lớn. Than nâu ở Quang Sơn và đây là mỏ than nâu duy nhất ở tỉnh Ninh Bình. Với những tiềm năng về đá vôi, Đô lô mít, đất sét và than nâu đã tạo cho Tam Điệp một nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất vật liệu xây dựng và các sản phẩm hóa chất khác.
Từ vị trí giao thông thuận lợi, từ đặc điểm về cấu trúc địa hình đất đại, tạo thế lâu dài trong phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng, sản xuất vật liệu xây dựng, Tam Điệp đủ điều kiện hướng tới xây dựng thành một trung tâm kinh tế của tỉnh trong vài thập niên đầu thế kỷ XXI.
Lê Liêu